Nghiên cứu đã theo dõi hơn 1.200 người xuất viện từ bệnh viện Vũ Hán từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020. Ảnh: AP.
Bệnh nhân COVID-19 ở Vũ Hán vẫn còn triệu chứng sau một năm bình phục
Dù một năm trôi qua, gần một nửa trong số khoảng 1.200 bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi ở Vũ Hán vẫn còn các triệu chứng sau khi nhiễm bệnh, theo SCMP.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại các bệnh viện ở Bắc Kinh và Vũ Hán, cho biết 20% bệnh nhân vẫn có những triệu chứng thường gặp nhất ở người mắc COVID-19 như mệt mỏi, yếu cơ, khoảng 17% bệnh nhân vẫn bị chứng khó ngủ, 11% bị rụng tóc.
Các bệnh nhân, có độ tuổi trung bình khoảng 59, được kiểm tra sức khỏe, làm xét nghiệm và thực hiện bài kiểm tra đi bộ trong 6 phút để đánh giá tình trạng sức khỏe trong 6 tháng và 12 tháng sau khi họ mắc COVID-19. Ở mốc một năm, số bệnh nhân hồi phục còn gặp các vấn đề về sức khỏe giảm so với thời điểm khảo sát mốc 6 tháng. Khoảng 88% bệnh nhân đã có thể đi làm trở lại.
Tuy nhiên, những người trong diện khảo sát của nghiên cứu hầu hết không khỏe mạnh như những người không mắc COVID-19 ở Vũ Hán.
Bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán hồi tháng 2.2020. Ảnh: Reuters. |
Một năm sau phục hồi, 30% bệnh nhân vẫn gặp vấn đề khó thở, 4% vẫn có vấn đề với khứu giác và một tỉ lệ nhỏ người gặp vấn đề về cảm xúc.
"Mặc dù hầu hết bệnh nhân phục hồi tốt, nhưng một số bệnh nhân vẫn gặp các triệu chứng kéo dài, đặc biệt ở những người từng mắc bệnh nặng", ông Tào Bân, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Bệnh viện hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh, cho hay.
Ông Tào Bân nói: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một số bệnh nhân có thể cần thời gian phục hồi hơn một năm và chúng ta cần quan tâm đến điều này khi hoạch định việc cung cấp các dịch vụ y tế sau đại dịch".
Theo các tác giả nghiên cứu, khảo sát của họ là khảo sát lớn nhất từ trước đến nay trên những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Họ đã theo dõi gần 1.300 bệnh nhân COVID-19 sau khi những người này xuất viện trong giai đoạn từ tháng 1-5/2020 tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi điều trị những ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán. Các tác giả nghiên cứu cũng kêu gọi tiến hành các nghiên cứu quy mô lớn hơn để tìm hiểu rõ hơn về hệ quả lâu dài của COVID-19 và các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân sau hồi phục.
Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo, tình trạng triệu chứng COVID-19 kéo dài, thậm chí đến 9 tháng, là vấn đề đáng lo ngại cần được đánh giá thêm. Giới chuyên gia hiện đặt ra nhiều giả thuyết như do các vấn đề thần kinh, phản ứng miễn dịch và việc virus tồn tại trong một số cơ quan của cơ thể.
Vũ Hán là tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới với những ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào tháng 12/2019. Tính đến ngày 8/4/2020, thời điểm thành phố 11 triệu dân này dỡ phong tỏa, Vũ Hán đã ghi nhận hơn 50.000 ca.
Có thể bạn quan tâm:
Phát hiện kháng thể chống được nhiều biến chủng của COVID-19