Bê bối Trump rò rỉ thông tin tình báo với Nga: Hư hư thực thực
Bài viết thể hiện quan điểm của ông Fred Fleitz, hiện là phó chủ tịch Trung tâm Chính sách An Ninh (Center for Security Policy), một tổ chức nghiên cứu tại Mỹ. Fleitz từng có 19 năm làm việc tại CIA, và là quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Tờ Washington Post (WP) đã làm dấy lên một cuộc tấn công mới nhằm vào ông Trump vào cuối ngày thứ Hai, khi tờ báo này cho biết Tổng thống Trump đã tiết lộ thông tin mật về các mối đe doạ khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Các nguồn của WP, vốn là các quan chức đương nhiệm lẫn về hưu của chính phủ Mỹ, đã miêu tả đây là một vụ bê bối lớn, đặt các nguồn tin tình báo nhạy cảm vào nguy cơ rủi ro.
WP tuyên bố rằng họ đã không tiết lộ tất cả các chi tiết của sự việc, vì các nguồn tin cho biết điều này sẽ "nguy hiểm cho năng lực tình báo quan trọng."
Tuy nhiên, theo Fleitz, vụ bê bối chính ở đây là đang có nhiều quan chức chính phủ Mỹ cố tình tiết lộ thông tin mật cho báo chí để tấn công tổng thống Trump.
Liệu Trump có vô tình nói với người Nga thông tin gì bí mật hay không? Các quan chức Mỹ khác có tham gia cuộc họp đã từ chối nói về điều này. Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster nói với báo chí vào buổi tối thứ Hai: "Tôi đã có mặt tại phòng họp. Điều này không xảy ra".
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các nhà lãnh đạo không rành về tình báo đôi khi cũng phạm phải những sai lầm như vậy. Chẳng hạn, vào năm 2014, chính quyền của tổng thống Barack Obama đã vô tình tiết lộ tên của trưởng đại diện CIA tại Afghanistan cho báo chí. Chính quyền Obama cũng được cho là đã tiết lộ tin tình báo nhạy cảm về virus Stuxnet nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Iran, và các chi tiết về cuộc tấn công tiêu diệt Osama bin Laden.
Hồi năm 2009, thượng nghị sĩ Dianne Feinstein cũng đã vô tình tiết lộ những thông tin mật nhạy cảm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong phiên điều trần của Uỷ ban Tình báo Thượng viện. Sau đó, không có gì xảy ra với bà Feinstein.
Và dĩ nhiên cũng có trường hợp bị trừng phạt. Vi dụ như thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người đã cố tình tiết lộ thông tin mật để làm tổn thương Tổng thống Reagan năm 1987. Do đó, ông bị Ủy ban Tình báo Thượng viện sa thải, và nhận biệt danh "Leaky Leahy".
Theo bình luận của Fleitz, luật của Mỹ quy định Tổng thống Mỹ là người có quyền xử lý tối cao với các thông tin. Tổng thống có thể tiết lộ thông tin khi thấy phù hợp để thực hiện chính sách an ninh quốc gia của mình.
Theo Fleitz, vẫn chưa biết được liệu các nguồn tin của WP có nói dối hay miêu tả sai những gì đã diễn ra trong cuộc họp của Trump với người Nga, hoặc là chỉ đoán lại những gì mà ông Trump nói với họ.
Vụ rò rỉ thông tin kỳ này là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Trump tiếp tục có vấn đề nghiêm trọng trong việc bảo mật thông tin. Theo Fleitz, đã tới lúc Trump cần phải "thay máu" các cơ quan CIA, NSC (Hội đồng An ninh Quốc gia), ODNI (Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia) và Bộ Ngoại giao.
Mạnh Đức
Nguồn Fox News