Bê bối của Samsung tác động thế nào tới nền kinh tế Hàn Quốc?
→Người thừa kế của Samsung được trả tự do
Sau hơn 350 ngày bị giam giữ, ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch và là người thừa kế công ty điện tử Samsung, đã chính thức được trả tự do sau khi tòa phúc thẩm tại nước này giảm án cho ông xuống chỉ còn 2,5 năm tù treo. Đây là một phán quyết được xem là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới tập đoàn này nói riêng cũng như nền kinh tế xử sở kim chi nói chung.
Ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, chia sẻ: "Tôi một lần nữa xin lỗi tất cả mọi người vì đã không làm những điều tốt nhất. Tôi đã có một năm để tự kiểm điểm mình và sẽ nỗ lực làm những điều đúng đắn".
Đó là phát biểu đầu tiên của ông Lee, nhà lãnh đạo và là người thừa kế tương lai của tập đoàn kinh tế số một Hàn Quốc, sau khi chính thức được trả tự do từ vụ bê bối gây chấn động Hàn Quốc, liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye cùng những nhân vật thân cận.
Nhưng theo các chuyên gia, việc kinh doanh của Samsung sẽ không có tác động đột biến nào khi ông trở lại, bởi tập đoàn này vẫn ghi nhận mức lãi kỷ lục trong thời gian ông Lee bị giam giữ. Còn trong dài hạn, việc trả tự do cho ông Lee bị cho là có thể ảnh hưởng đến uy tín của Samsung và nền kinh tế Hàn Quốc trong dài hạn. Nhiều người cho rằng, ông đã giảm nhẹ án nhờ vào những đóng góp của Samsung với nền kinh tế.
Ông Geoffrey Cain, nhà báo chuyên về châu Á, cho biết: "Trong quá khứ, Hàn Quốc từng xử nhẹ tay tội trạng với nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn. Án tù 5 năm của ông Lee trước đó được xem là một tín hiệu tích cực nhưng sau phiên xử này, dường như công chúng đang lo ngại mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi".
Dù sao, thông tin này vẫn là một điểm sáng đối với giới đầu tư. Trong khi phần lớn thị trường Hàn Quốc rơi vào sắc đỏ, cổ phiếu Samsung đã tăng tới 0,5% sau khi vị Phó Chủ tịch được trả tự do.
Biểu đồ mô tả lợi nhuận hoạt động hàng quý của Samsung từ năm 2009 đến năm 2017. Trong quý thứ ba năm 2017, lợi nhuận hoạt động của Samsung đã đạt mức cao kỷ lục 14,53 nghìn tỷ won của Hàn Quốc. Nguồn: statista |
Giữa tháng 1, ông Lee Jae-yong đã từng bị tòa án Seoul triệu hồi nhưng được thả do thiếu bằng chứng. Trước đó, hãng tin Yonhap cho biết, ông Lee từng thừa nhận với cơ quan điều tra rằng, Samsung đã chuyển tiền cho các quỹ của bà Choi Soon-sil, người đang là trung tâm của vụ bê bối chính trị hiện nay, cùng những quà tặng khác cho người thân của bà này.
Tối ngày 16/2, ông Lee đã bị các công tố viên thuộc cơ quan điều tra độc lập của Hàn Quốc chính thức tạm giam với những cáo buộc và chứng cứ mới trong tay và bị tuyên án bắt giữ chỉ 10 tiếng sau phiên điều trần trước tòa.
Là một phần trong vụ bê bối chính trị đang gây chấn động thời gian qua tại Hàn Quốc nhưng vụ việc của ông Lee Jae-yong được đặc biệt chú ý bởi Samsung hiện là tập đoàn kinh tế số 1 tại Hàn Quốc. Chỉ riêng hãng điện tử Samsung, đơn vị chủ lực của tập đoàn, đã chiếm đến 1/5 GDP của quốc gia này. Chắc chắn, những xáo trộn tại tập đoàn này không ít thì nhiều sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho nền kinh tế xứ sở kim chi.
Ông Oh Moon-soo, chuyên gia phân tích, cho hay: "Ngay cả khi các doanh nghiệp đang làm ăn có hiệu quả, thì vụ việc này cũng vẫn khiến các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại và thị trường chứng khoán cũng trở nên bất ổn hơn nhiều".
Ông Kim Bum-han, luật sư, đưa ra ý kiến: "Vào thời điểm này, việc bắt giữ ông Lee là rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Samsung là 1 doanh nghiệp được tổ chức tốt và ổn định nên tôi cho rằng việc này cũng sẽ không ảnh hưởng quá lâu dài lên tập đoàn này cũng như nền kinh tế".
Hàn Quốc cũng có tiền lệ xử lý không quá nặng tay với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn để tránh bất ổn. Và do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn có lý do để tin tưởng rằng, Samsung vẫn có khả năng tránh được một cuộc khủng hoảng lớn.