Bầu không khí thất vọng bao trùm Italia sau bầu cử
Bài báo với tiêu đề "Kẻ chiến thắng là: Vô chính phủ" , được đăng tải trên tờ Rome newspaper Il Messaggero, cho rằng bên cạnh cú sốc lớn về chính trị, Italia còn phải đối mặt với bế tắc nghiêm trọng trong vài tuần tới khi các đảng phải đối lập buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để cùng nhau thành lập chính phủ liên minh.
Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất, đảng Dân chủ (DP) của ông Pier Luigi Bersani đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ viện, với 125.000 phiếu bầu, đồng thời là đảng có nhiều ghế nhất trong Thượng viện. Tuy nhiên, số ghế mà đảng DP giành được không đủ đa số để có thể tự mình thành lập chính phủ.
Mặc dù ông Bersani tuyên bố giành chiến thắng, song rõ ràng Italia đang ở trong một tình huống "vô cùng tế nhị" - theo như cách gọi của hãng tin Reuters.
Mặc dù các bên sẽ buộc phải bắt tay nhau để thành lập 1 chính phủ liên minh, song cả ông Grillo - vốn là 1 diễn viên hài chuyển sang làm chính trị - lẫn đảng trung hữu Nhân dân Tự do của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi đều tuyên bố sẽ không nhượng bộ các đối thủ. Thậm chí, ông Berlusconi còn đe dọa sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu bầu.
Điều này cho thấy các đảng phái ở Italia đều không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với các nhóm đối lập.
Trong khi đó, các thị trường tài chính tỏ ra vô cùng lo ngại sự bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng euro (eurozone) có thể làm khơi dậy làn sóng khủng hoảng, từng làm rung chuyển và đẩy khối tiền tệ chung châu Âu vào bờ vực tan rã, như cuộc khủng hoảng bầu cử Hy Lạp hồi tháng 7/2012.
Nhiều nhà phân tích chính trị thì cho rằng trong cuộc bầu cử lần này, người giành chiến thắng lớn nhất là đảng M5S của ông Grillo. Mặc dù chỉ mới thành lập trong khoảng thời gian 3 năm, song đảng của ông Grillo lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ Italia - những người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn thất nghiệp. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, đảng M5S là một trong những lực lượng chính trị được nhắc đến nhiều nhất ở châu Âu.
Nhà lãnh đạo của SEL, ông Nichi Vendola, nhận định: "M5S mới chính là người chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử này".
Lý giải nguyên nhân thành công của đảng M5S và sự trở lại phi thường của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi - người từng mất chức vì bê bối tham nhũng và tình dục, các nhà phân tích cho rằng tình trạng suy thoái lâu dài cùng sự thất vọng với chính phủ đã ảnh hưởng xấu tới người dân Italia, khiến họ quay sang ủng hộ các đảng phải chống chương trình thắt lưng buộc bụng do thủ tướng kỹ trị Mario Monti khởi xướng.
Bản thân thủ tướng Monti, dù nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chính trị châu Âu và Italia, song phe ôn hòa của ông cũng chỉ giành được 10,6% số phiếu, trong khi 2 đồng minh chủ chốt của ông là Pier Ferrdinando Casini và chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini đều bị loại ra khỏi cuộc đua.
Giáo sư kinh tế học tại Đại học Bologna, ông Stefano Zamagni, cho rằng: "Kết quả bầu cử cho thấy một phần đáng kể người Italia đang chán ngán với chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức và các đồng minh phương Bắc của Italia".
Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu bầu cử Italia, đảng DP của ông Bersani giành được 121 ghế, đảng của ông Berlusconi giành được 117 ghế, đảng của ông Grillo có được 54 ghế, còn 22 ghế còn lại thuộc về liên minh ôn hòa của thủ tướng Monti. Như vậy, không có liên minh nào có đủ 158 ghế cần thiết để lập chính phủ.
Giới phân tích cho rằng dù chính phủ tiếp theo được thành lập có bác bỏ chính sách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu do ông Monti khởi xướng, cũng rất khó để nền kinh tế Italia hồi sinh sau hơn 2 thập kỷ trì trệ.
Nguồn Reuters/Khampha