Bầu cử Pháp: Cử tri vẫn phân vân không biết chọn ai
Trong một chiến dịch tranh cử được xem là hiếm thấy trong lịch sử nước Pháp, bốn ứng viên với quan điểm hoàn toàn khác nhau đều có cơ hội để lọt vào vòng tiếp theo, theo nhiều cuộc thăm dò dư luận. Họ là lãnh tụ phe cực hữu Marine Le Pen, người muốn kéo Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền Euro (Eurozone); ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon, người muốn lập lại các luật chơi hiện tại của Eurozone; Francois Fillon, một cựu Thủ tướng muốn thực hiện những cải cách kinh tế khắc nghiệt, và ngôi sao trẻ 39 tuổi Emmanuel Macron, người nhiệt tình ủng hộ Liên minh Châu Âu và mở cửa cho dân nhập cư.
Macron hiện đang là người dẫn đầu các cuộc thăm dò, với tỷ lệ ủng hộ bình quân 23,8% nhưng nhìn chung thì khoảng cách giữa các ứng viên đều khá sát sao, và mức chênh lệch lớn nhất cũng chỉ khoảng 5%.
Chuyên gia khảo sát Bruno Jeanbart bình luận:"Trong nhiều tuần lễ, người Pháp đã thể hiện sự thất vọng của họ với cuộc bầu cử. Cuối cùng, họ vẫn phải lựa chọn giữa bốn ứng cử có quan điểm hoàn toàn khác nhau, và cơ hội thành công cho cả 4 ứng viên này là khá đồng đều".
Cuộc bầu cử đã mở cửa lúc 8 giờ sáng nay theo giờ Paris và sẽ đóng cửa lúc 7 giờ tối tại các khu vực nông thôn và 8 giờ tối tại các thành phố lớn (tương đương 2h sáng ngày 24/4 tại Việt Nam). Các kết quả sẽ được công bố vào lúc 8h tối, và hai người đứng đầu trong tổng số 11 ứng viên sẽ tham gia cuộc bầu cử quyết định vào ngày 7/5. Nếu có ứng viên nào giành được trên 50% số phiếu bầu cử tri ngay từ vòng 1, thì không cần đến cuộc bầu cử vòng 2 nữa, nhưng khả năng này là cực kì thấp.
4 ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tại Pháp, từ trái qua: Macron, Le Pen, Fillon, Melenchon. Ảnh: Bloomberg |
Macron hiện đang là người dẫn đầu các cuộc khảo sát mặc dù đảng phái mà ông sáng lập mới chỉ hoạt động được hơn 1 năm và ông cũng chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ dân cử (trước đây Macron từng được làm Bộ trưởng Kinh tế từ 2014 tới 2016). Người đang cạnh tranh sát sao nhất với ông là bà Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Dân tộc với quan điểm chống nhập cư và chống eurozone.
Ứng viên 63 tuổi Fillon đã mất vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, sau khi dính vào scandal về việc bổ nhiệm vợ mình vào 1 vị trí ở quốc hội chỉ để hưởng lương mà không có bằng chứng là bà này có làm việc gì. Ứng viên cực tả 65 tuổi Melenchon thì vừa bất ngờ vươn lên vị trí thứ tư trong mấy tuần nay, nhờ sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông xã hội và các công nghệ mới. Sự trỗi dậy của Melenchon được cho là đã khiến lợi suất trái phiếu Pháp lên gần mức cao nhất 4 năm qua.
Cuộc đua tứ mã
Trước khi các cuộc thăm dò dư luận buộc phải ngưng lại theo quy định pháp luật vào ngày thứ Sáu, bảng tổng hợp các cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy Macron có tỷ lệ ủng hộ là 24,5% và bà Le Pen đứng thứ hai với 22,5%. Trong khi đó, Fillon và Melenchon có tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 19,5% và 18,5%, nghĩa là vẫn còn dư địa để tạo ra bất ngờ.
Kết quả thăm dò tỷ lệ ủng hộ dành cho 4 ứng viên. Ảnh: Bloomberg |
Vào tối ngày thứ Năm, một người đàn ông đã bắn chết một cảnh sát và làm bị thương hai người khác ở trung tâm Paris, khiến cho cuộc bầu cử thêm phần khó lường. Thủ phạm đã bị bắn chết khi đang cố chạy thoát.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phát biểu hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn với AP rằng vụ việc này sẽ "có thể có lợi" cho bà Le Pen vì bà "là người mạnh mẽ nhất về vấn đề kiểm soát biên giới, và bà là người mạnh mẽ nhất để có thể giải quyết những khó khăn hiện tại của nước Pháp". Quốc gia này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kể từ cuộc tấn công khủng bố vào tháng 11 năm 2015.
Kết quả bầu cử tại Pháp có thể rất sít sao, và sẽ thật khó để có thể tìm hai ứng cử viên nào đủ điều kiện lọt vào vòng bầu cử thứ 2 ngày 7/5 một cách dễ dàng, theo các nhân vật tham gia vào chiến dịch vận động cho bà Le Pen và ông Fillon bình luận.
Các khảo sát cho thấy bà Le Pen sẽ thất cử ngay cả khi bà có lọt vào vòng 2. Nhưng liệu thị trường có quá lạc quan hay không khi đánh giá thấp bà Le Pen? Những gì xảy ra trong năm 2016, với cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh và cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, cho thấy rằng ngay cả những nhà khảo sát dày dạn kinh nghiệm nhất cũng khó mà đoán trước được chữ ngờ.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg