Bầu cử Iran đương đầu với khó khăn về kinh tế
Trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, Iran đã phải hứng chịu hàng loạt những biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây nhằm gây áp lực buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu khí đã khiến Iran thiệt hại hàng tỉ USD Mỹ mỗi năm.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu nhằm vào các thể chế tài chính cũng như hoạt động giao dịch với hệ thống ngân hàng toàn cầu đã khiến lượng đầu tư từ nước ngoài vào Iran giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả là, nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ này bị co lại, thu nhập của người dân giảm sút trong khi tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng vọt.
Các số liệu vừa được công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát của Iran trong tháng đầu tiên của năm hiện tại tính theo lịch Iran (từ ngày 21/3-20/4/2013) đã lên tới 29,8% và tỷ lệ thất nghiệp là 14%. Trong khi đó, kể từ đầu năm 2012 đến nay, đồng Rial của Iran đã giảm gần 80% giá trị.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới cũng sẽ phải gánh vác một trọng trách rất lớn là đưa quốc gia Trung Đông này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo họ, kinh tế sẽ không phải là thách thức hàng đầu mà sẽ là thách thức chính đối với người kế nhiệm Tổng thống Ahmadinejad.
Giáo sư kinh tế Mỹ Shahin Fatemi cho biết: “Dù ai đắc cử Tổng thống thì kinh tế sẽ vẫn là một thách thức lớn. Có một mối quan hệ không thể đảo ngược giữa lạm phát và giá trị đồng nội tệ. Lạm phát tăng kéo theo giá trị đồng nội tệ giảm, trong khi tình hình hiện nay lại phục thuộc vào các yếu tố quốc tế. Nền kinh tế Iran dựa chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, vốn đang là mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt quốc tế. Một thực tế không thể phủ nhận là các lệnh trừng phạt đang ảnh hướng tới đồng nội tệ Iran. Lạm phát sẽ tiếp tục tăng và những vấn đề như thế này là không dễ giải quyết”.
Không phải là vô cớ khi kinh tế lại là chủ đề đầu tiên của các cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng cử viên Tổng thống. Tại cuộc tranh luận này diễn ra ngày 1/6 vừa qua, cả 8 ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 14/08 tới đều thừa nhận các thách thức về kinh tế, đặc biệt là tình trạng lạm phát và thất nghiệp. Tất cả đều nhất trí rằng, việc kiềm chế lạm phát đang ngày càng gia tăng là thách thức lớn nhất đối với nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới. Bên cạnh đó, giải quyết nạn thất nghiệp và đồng nội tệ mất giá cũng là những vấn đề cấp thiết.
Trong bối cảnh nền kinh tế Iran ảm đạm như hiện nay, người dân Iran rất cần một vị Tổng thống có thể đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kinh tế trì trệ và xây dựng hình ảnh một đất nước Iran thân thiện, hòa bình. Chính vì vậy, các chuyên gia tin rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ quyết định tương lai của Iran.
Nguồn VOV