Chủ Nhật | 07/07/2013 10:47

Bất ổn ở Brazil và lời cảnh tỉnh về những nguy cơ ở thị trường mới nổi

Các cuộc biểu tình ở Brazil hồi tháng trước chính là lời nhắc nhở thiết thực nhất về những nguy cơ khi đầu tư vào thị trường mới nổi.
Cuối tháng 6, Brazil rúng động khi hàng chục nghìn người biểu tình đổ xuống các ngả đường của thành phố Sao Paulo, Rio de Janeiro cùng nhiều thành phố khác để phản đối việc chính phủ lạm chi cho World Cup 2014 và Thế vận hội Olympic, cũng như tình trạng tham ô và xuống cấp của các dịch vụ công.

Các cuộc biểu tình liên tiếp khiến chi phí sinh hoạt tại các thành phố Brazil tăng vọt, kinh tế chậm lại, cơ sở vật chất và các phương tiện bị đốt phá, giá nhiên liệu leo thang, trong khi thị trường chứng khoán chìm nghỉm.

Trong suốt một thập kỷ qua, Brazil luôn là một trong những địa điểm đầu tư ưa thích của giới tài chính quốc tế, đồng thời một trong bộ tứ hùng mạnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) bên cạnh Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Kinh tế Brazil tăng trưởng tới hơn 5% mỗi năm. Trong hầu hết các năm, thị trường chứng khoán Brazil đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Riêng năm 2009, thị trường chứng khoán Brazil đem về lợi nhuận hơn 100% cho các nhà đầu tư.

Biểu tình ở Brazil.

Song hành với sức tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế, hàng triệu người Brazil cũng thoát nghèo và gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Các công ty Brazil, như công ty khoan và khai thác dầu Petrobras, cũng có được vị thế lớn trên thế giới.

Bước sang thập kỷ tiếp theo, kinh tế Brazil bắt đầu chững lại, thể hiện rõ nét qua việc thị trường chứng khoán giảm 25,3% trong vòng 3 năm trở lại đây, kéo theo sự đi xuống của hàng loạt quỹ chứng khoán châu Mỹ Latinh. Trong nửa đầu năm 2013, các quỹ chứng khoán Mỹ Latinh thiệt hại khoảng 17%, công ty nghiên cứu thị trường Morningstar cho hay.

Sự đi xuống của thị trường chứng khoán Brazil ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà đầu tư trong toàn khu vực, bởi chúng khoán Brazil hiện chiếm gần 60% trong chỉ số MSCI các thị trường mới nổi Mỹ Latinh, và một nửa số quỹ đầu tư chứng khoán cũng nằm ở Brazil.

Nhà quản lý tại quỹ Natixis Hansberger Emerging Latin America, ông Andres Calderon, từng nhận xét: "Nếu bạn định lập một quỹ đầu tư ở Mỹ Latinh, bạn nhất thiết phải đầu tư ở Brazil". Điều này cho thấy vị trí của Brazil quan trọng như thế nào đối với kinh tế toàn khu vực.

Bên cạnh đó, các công ty Brazil cũng chiếm 1/4 số lượng cổ phiếu trên toàn châu Mỹ Latinh. Số còn lại được chia đều cho các nước là Chile, Columbia và Peru.

Trên thực tế, các quỹ đầu tư có thể săn lùng các khoản lợi nhuận mới từ 3 nước này hoặc các nước khác trong khu vực. Chẳng hạn, quỹ BlackRock mới đây đã tổ chức thu mua cổ phiếu của hãng hàng không Copa Airlines ở Panama. Tuy nhiên, quy mô tương đối nhỏ của nền kinh tế và thị trường chứng khoán ở Chile, Columbia hay Peru khiến họ rất khó mở rộng và tăng cường sức mạnh cho danh mục đầu tư. Với GDP danh nghĩa vào khoảng 250 tỷ USD, nền kinh tế Chile chỉ tương đương với tiểu bang Minnesota của Mỹ, trong khi Peru chỉ bằng bang Oregon.

Mặc dù vậy các nhà đầu tư cũng ít hiều tìm thấy tiềm năng trong bộ ba kinh tế này, đặc biệt là Peru, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu lục, từ 7-8%/năm. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra dè chừng với sự hứa hẹn của châu Mỹ Latinh, đặc biệt sau những sự kiện gần đây ở Brazil.

Nguồn NYTimes/Dân Việt


Sự kiện