Bất ổn leo thang tại Trung Đông kéo chứng khoán châu Á giảm
Hệ số P/E của MSCI châu Á Thái Bình Dương là 13,3 điểm, thấp hơn so với P/E của S&P 500 là 16,5 điểm và Stoxx Europe 600 là 15,4 điểm, theo số liệu của Bloomberg.
Bất ổn chính trị tại Iraq có thể sẽ đẩy giá dầu tăng cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Trong tháng 6, giá dầu WTI đã tăng 3,4%. Ngày 24/6, giá dầu Brent tăng 0,3% lên 114,46 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,7%. Ngày 24/6, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố, tình trạng giảm phát tại Nhật Bản đã chấm dứt đồng thời công bố kế hoạch chi tiết về các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, chính quyền của ông Abe cũng dự kiến đệ trình luật mới - nhằm hợp pháp hóa hoạt động của các sòng bạc với tư cách là động lực thúc đẩy du lịch trước Thế vận hội Tokyo 2020 - lên Quốc hội trong phiên họp tới đây.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,1% trong khi Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,4%. Tổng nợ của 9 tỉnh và 9 thành phố tăng 3,79% từ cuối tháng 6/2013 đến tháng 3/2014, thấp hơn 7 điểm % so với tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm ngoái, theo số liệu của Văn phòng Kiểm toán (NAO) quốc gia Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán lớn của khu vực cũng giảm mạnh. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và S&P/ASX 200 của Úc đều giảm 0,6%. Chỉ số Straits Times của Singapore gần như không đổi, giảm 0,02%.
Bất ổn leo thang tại Iraq cũng là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày 24/6, đánh dấu ngày giảm thứ 2 liên tiếp bất chấp tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tháng 5, doanh số bán nhà mới đã tăng lên cao nhất trong 22 năm. Chỉ số của Conference Board cũng cho thấy, niềm tin tiêu dùng của Mỹ tăng cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế.
Tối ngày 25/6 giờ Việt Nam, chính phủ Mỹ sẽ đưa ra số liệu GDP quý I hiệu chỉnh lần thứ 3 và theo dự báo của Bloomberg, GDP sẽ giảm 1,8% trong quý I.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg