Bất ngờ ở "mảnh đất vàng" Myanmar
Đất nước Myanmar hiện đã có mặt khá nhiều tập đoàn đa quốc gia, như Coca-Cola, Unilever, Samsung... nhưng đa số người dân, kể cả công chức, vẫn trung thành với trang phục truyền thống, gọi là longyi.
Đậm đặc bản sắc truyền thống
Longyi là một loại váy chỉ phân biệt giữa đàn ông và đàn bà bằng cách... quấn. Cũng chỉ bằng cách quấn, chiếc longyi này có thể trở thành... quần đùi đá bóng, cái nịt địu con, hay áo mưa đội đầu... Phụ nữ không son phấn mà thường dùng tha na khan - một loại bột được mài từ cây - làm phấn trang điểm. Đàn ông thì ăn trầu. Trên đường phố yago, các điểm bán trầu cau ăn liền hơn hẳn sự hiện diện của các cây ATM.
Ở Myanmar, chùa chiền là đặc sản và được xem như trung tâm của văn hóa tâm linh truyền thống. Người dân đến chùa để thiền tâm, cầu nguyện, chia sẻ buồn vui. Nhiều vùng sâu, vùng xa, học sinh thường được gửi vào học giáo lý tại chùa. Là một trong những nước được xem là nghèo nhất thế giới nhưng người dân ở đây hễ có tiền là mua vàng để lên dát chùa. Hầu hết các chùa ở Myanmar có đỉnh đều lấp lánh vàng mười. Có những tượng Phật nặng hàng tấn vàng...
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cứ 4 người Myanmar thì có 1 người nghèo. Cùng với những chính sách mở cửa rầm rộ gần đây, nhiều tổ chức kinh tế thế giới đánh giá và kỳ vọng quốc gia này như một ngôi sao đang lên ở châu Á. ADB còn lạc quan cho rằng chỉ từ nay đến năm 2030, Myanmar sẽ lột xác từ một trong những nước nghèo nhất châu lục trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Du lịch sẽ là một trong những ngành quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại đất nước này. Chính phủ cũng như người dân Myanmar đều rất ý thức càng mở cửa thì càng phải giữ gìn bản sắc văn hóa, như một điểm thu hút của đất nước.
Hy vọng từ " mảnh đất vàng"
Sau thời gian dài cấm vận, cuối năm 2012, Myanmar đã kịp ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới. Theo số liệu chính thức của cơ quan thống kê Myanmar, tính đến tháng 7/2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nước này đạt 42,95 tỷ USD.
Các lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là năng lượng, dầu và khí đốt, khai khoáng, chế tạo. Hiện đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Myanmar. Riêng đến nay đã có 23 doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar; 4 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng giá trị gần 600 triệu USD. Trong đó, đáng kể là tổ hợp khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn 440 triệu USD. 18 dự án khác của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp phép với tổng vốn dự kiến trên 600 triệu USD.
Theo Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng, tiềm năng xuất khẩu hàng tiêu dùng vào thị trường Myanmar còn rất lớn bởi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 10%. Tuy nhiên, hiện tại, thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Myanmar mới khoảng 1%. Ở thị trường này, sự cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và Trung Quốc, Thái Lan đang diễn ra rất khốc liệt.
Chính phủ Myanmar cũng rất thận trọng trong việc thẩm định cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài. Ngay khi vừa mở cửa (năm 2011), Myanmar đã tuyên bố ngừng xây dựng dự án thủy điện khổng lồ Myitsone trên sông Irrawaddy - bang Kachin trị giá 3,6 tiỷ USD do Trung Quốc đầu tư để bảo vệ môi trường sinh thái và thượng nguồn dòng sông thiêng Irrawaddy - nơi được người dân Myanmar ví như sông Hằng của Ấn Độ.
Myanmar cũng đã thành lập ngân hàng chính sách chuyên hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn, đầu tư vào khâu giống cây trồng, hy vọng đưa đất nước trở lại vị trí một cường quốc xuất khẩu gạo (năm 1959-1960, Myanmar từng là nước đứng đầu về xuất khẩu lương thực, đạt mức kỷ lục 3 triệu tấn gạo).
Ở một đất nước mà tất cả phải bắt đầu từ số 0, Myanmar còn nhiều việc để làm. Song người dân của họ đã có quyền hy vọng.
Nguồn Người lao động