Các ngân hàng ở những khu trung tâm tài chính thay nhau trả mặt bằng. Ảnh: Bloomberg.

 
Lam Ngọc Thứ Năm | 10/08/2023 17:38

Bất động sản thương mại châu Âu: "Thay đổi hoặc chết"

Các trung tâm tài chính ở châu Âu đang đứng trước tình trạng ngày càng vắng khách thuê và bị bỏ trống.

Thị trường bất động sản thương mại ở châu Âu đang hứng chịu những tác động nặng nề từ những bất ổn kinh tế trên toàn cầu. Theo đó, các trung tâm tài chính ở châu Âu, chẳng hạn như Canary Wharf (London), Mainhattan (Frankfurt) hay La Defense (Paris), đang chứng kiến làn sóng rời đi của những khách thuê cũng như tỉ lệ văn phòng trống tăng vọt trong khi giá nhà lao dốc.

“Nỗi đau” ngày càng sâu sắc hơn khi ngân hàng HSBC có động thái trả mặt bằng văn phòng thuê ở tòa nhà Canary Wharf, và ngân hàng Credit Suisse cho biết cũng có dự tính tương tự. Ngoài ra, ngân hàng Dekabank cũng quyết định bán lại tòa nhà chọc trời ở khu Mainhattan. Trong khi toà nhà La Defense chứng kiến tỉ lệ người thuê đang ở xu hướng giảm dần.

Toà nhà Commerzbank ở trung tâm tài chính Frankfurt (Đức). Ảnh: Bloomberg.
Toà nhà Commerzbank ở trung tâm tài chính Frankfurt (Đức). Ảnh: Bloomberg.

Giữa làn sóng “càn quét” thị trường văn phòng, các ngân hàng và doanh nghiệp tìm mọi cách để thu hút mọi người trở lại làm việc ở văn phòng, bởi mô hình làm việc hybrid working được ưa chuộng và trở nên phổ biến với các nhân viên văn phòng sau thời gian làm việc tại nhà do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Trong khi các khu phố như Mayfair (London) hay Quận 7 (Paris) nổi lên bởi những quán cà phê, nhà hàng được nhiều người lựa chọn làm không gian làm việc, các trung tâm tài chính như Canary Wharf, La Defense và Mainhattan lại đối diện với nguy cơ trở thành “đô thị ma”.

Theo hãng tin Bloomberg, sau HSBC và Credit Suisse, có nhiều khả năng Tập đoàn Đầu tư Moody’s sẽ là khách thuê tiếp theo trả mặt bằng ở tòa nhà Canary Wharf. Moody’s đang xem xét chọn một tòa nhà văn phòng làm việc khác có diện tích nhỏ hơn 1/3 so với toà nhà hiện tại.

Thay đổi hoặc chết

Để cứu vãn tình hình, các nhà hoạch định chính sách đang phá vỡ quy tắc nghiêm ngặt về không gian văn phòng ở các đô thị trường lớn. Thủ đô London triển khai biến các tòa nhà văn phòng cũ thành khách sạn và nhà hàng. Trong khi đó, New York thúc đẩy chuyển đổi các tòa nhà văn phòng thành khu dân cư.

 

Những kế hoạch thay đổi là điều cần thiết đối với những tòa nhà cao tầng từng được săn lùng nhiều nhất trong quá khứ. Quý I/2023, tỉ lệ văn phòng trống ở La Defense, trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, là 20%. Canary Wharf là 15%, còn Frankfurt hiện có hơn 1 triệu m2 không gian văn phòng bị bỏ trống.

Không chỉ châu Âu, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đứng ngồi không yên trước tình trạng hàng loạt tòa nhà có vị trí đắc địa bị bỏ trống. Chẳng hạn như Samsung, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, đang nỗ lực thúc đẩy quá trình tái cấp vốn cho 2 tòa nhà Commerzbank và Trianon ở Frankfurt. Được biết, Samsung mua toà Commerzbank trước khi đại dịch COVID-19 ập đến. Hồi năm ngoái, Tập đoàn đã cố gắng rao bán Commerzbank nhưng không tìm được khách mua.

Giá trị bất động sản lao dốc cùng với việc các ngân hàng thay nhau trả mặt bằng đã tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các doanh nghiệp. Rơi vào thế bán không được, nhưng giữ lại không ai thuê buộc các doanh nghiệp đầu tư phải chi tiền để chuyển hướng sang quy hoạch đô thị thành các không gian có công năng kết hợp khu văn phòng với khu dân cư, khu trung tâm bán lẻ với các dịch vụ công cộng.

Mặc dù việc chuyển đổi không dễ dàng, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chấp nhận điều này vì họ đã chi số tiền quá lớn để mua các tòa nhà này. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí từ việc tái cấp vốn và cải tạo toà nhà sẽ là bài toán khó đối với các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm:

Suy thoái kinh tế ở châu Âu đã kết thúc?

Nguồn Bloomberg