Bất chấp vỡ nợ, Hy Lạp không cắt giảm ngân sách quốc phòng
Tuyên bố đưa ra sau khi một trong các đại diện của chủ nợ quốc tế là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị Hy Lạp cắt giảm 400 triệu euro chi tiêu cho quốc phòng vào năm tới (2016) để tránh ảnh hưởng đến túi tiền của những người dân thường khi triển khai các biện pháp khắc khổ.
Tuy nhiên, Athens chỉ chấp nhận cắt giảm 200 triệu euro. Phát biểu sau cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cho biết: “Chuyện này hoàn toàn phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi được quyền quyết định sẽ duy trì sự hiệu quả của lực lượng vũ trang như thế nào và đây vốn là vấn đề tất yếu trong chủ quyền quốc gia của chúng tôi. Tôi và Bộ trưởng Quốc phòng sẽ không chấp nhận những yêu cầu cắt giảm nhằm tạo ra những hình thái bất bình đẳng mới trong xã hội, đặc biệt là trong mức lương của lực lượng vũ trang.”
Tuyên bố đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Hy Lạp trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên vỡ nợ trước Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Quỹ này hôm qua đã cảnh báo, Hy Lạp có thể phải xin gia hạn các khoản vay từ Liên minh châu Âu (EU) và cần được xóa một khoản nợ lớn nếu tăng trưởng của nước này chậm hơn kỳ vọng và những cải cách kinh tế không được triển khai.
Một trong 3 thể chế tài chính đang là chủ nợ của Athens cũng cho rằng, kể cả khi các chính sách của Hy Lạp trở lại quỹ đạo thì châu Âu vẫn cần phải gia hạn đáng kể các khoản vay.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hy Lạp sẽ cần thêm khoảng 36 tỷ euro từ quỹ của châu Âu. Thậm chí trong những dự báo lạc quan nhất, quỹ này cũng cho rằng nợ công của Hy Lạp đến năm 2020 vẫn chiếm khoảng 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sẽ giảm xuống còn 140% vào năm 2022.
Nguồn VOV