Reuters
Bất chấp lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn mở rộng sức mạnh hạt nhân
Triều Tiên những ngày cuối năm 2017 vẫn kiên quyết đưa ra những lời tuyên bố "sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân" của mình chừng nào Hoa Kỳ và các đồng minh còn tiếp tục "hăm dọa và tập trận" ở ngay trước ngưỡng cửa của Triều Tiên.
Hãng thông tấn chính thức KCNA của đất nước bị cô lập đã tường thuật về lập trường thường lặp đi lặp lại. Hãng KCNA cũng điểm lại các cuộc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này trong năm nay. "Chúng ta sẽ mở rộng sức mạnh quốc phòng và khả năng giáng đòn tấn công phủ đầu mà cốt lõi trong đó là sức mạnh hạt nhân, chừng nào chưa chấm dứt những mối đe dọa hạt nhân và sức ép hăm dọa từ phía Hoa Kỳ và tay sai", tuyên bố nêu rõ.
"Nhờ có Triều Tiên dựa trên tư tưởng Chủ thể, kiên cường nắm vững thanh gươm hạt nhân, tự chủ tự cường bảo vệ nền độc lập, chính nghĩa và hòa bình của mình mà trong năm qua đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh hạt nhân đe dọa toàn thế giới", KCNA nhận định.
Mỹ và Hàn Quốc lâu nay vẫn nói họ sẽ không đàm phán với CHDCND Triều Tiên trừ khi nước này sẵn sàng thảo luận về việc hạn chế vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa của họ.
Trong bài tường thuật của mình, KCNA nói Triều Tiên đã tiến hành các bước để "tăng cường khả năng tự vệ và tấn công phủ đầu với lực lượng hạt nhân" trước "mối đe dọa hạt nhân, những lời hăm dọa và các cuộc tập trận" liên tục của Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh.
→Liên Hiệp Quốc thêm trừng phạt "khắc nghiệt" với Triều Tiên
→Thế giới năm 2018: Mối đe dọa vũ khí hạt nhân bao trùm
KCNA cáo buộc Tổng thống Trump sử dụng các chính sách thù địch chưa từng có đối với Triều Tiên và đe dọa nước này khi đề cập đến việc tấn công phủ đầu. Hãng thông tấn mô tả Triều Tiên là "một quốc gia có tầm chiến lược và là cường quốc hạt nhân mới không thể phủ nhận".
"Đừng trông đợi có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của đất nước. Đất nước với tư cách là một cường quốc bất khả chiến bại không thể bị suy yếu cũng như không thể bị đè bẹp", KCNA nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết ông nghĩ rằng thế giới sẽ "gia tăng áp lực" lên Triều Tiên trong những tháng tới, đặc biệt không định hủy bỏ cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vì Thế vận hội Olympic. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố: "Tôi không tính tới chuyện đình chỉ tập trận. Vấn đề này cần được cả hai nước xem xét. Tôi sẽ cho tạm dừng nếu như có quyết định ngoại giao hay giải pháp gì đó tương tự. Nhưng hiện thời tôi không chờ đợi điều gì như vậy".
Trong một diễn biến khác, sau khi Mỹ vừa mới đây tuyên bố “bắt tận tay” Trung Quốc tiếp dầu giữa biển cho Triều Tiên, thì báo chí Mỹ ngày 30/12 tiếp tục đưa tin về việc Nga cũng âm thầm cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Nếu thông tin về việc Nga và Trung Quốc vẫn ngầm hỗ trợ cho Triều Tiên được chứng minh là có thật thì Triều Tiên càng có cơ sở để đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ hơn về mở rộng sức mạnh hạt nhân của nước này. Triều Tiên dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Nước này cũng cần dầu mỏ cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 9 đã áp đặt giới hạn xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên, theo đó nước này chỉ được nhập khẩu 500.000 thùng xăng dầu mỗi năm. Đồng thời hạn chế cả hoạt động giao dịch dầu thô với Triều Tiên. Hoạt động chuyển dầu mỏ trực tiếp giữa các tàu cũng bị cấm vì lý do không thống kê được số lượng dầu cung cấp cho Triều Tiên.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng triển vọng đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng trong năm 2018 vẫn mờ mịt. Đến giờ, cả Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa cho thấy họ muốn tham gia vào những cuộc thảo luận như vậy.