Thứ Sáu | 14/03/2014 22:54

Bất bình đẳng trong thu nhập kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF cảnh báo, tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập đang đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu trong dài hạn và phá vỡ kết nối cộng đồng.
Bất bình đẳng thu nhập tại một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, gia tăng lên mức chưa từng thấy kể từ trước Đại suy thoái. Tại Hy Lạp - tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, 10% số dân trong tình trạng nghèo đói bị ảnh hưởng nặng nề từ việc cắt giảm ngưỡng miễn thuế thu nhập.

Tỷ lệ bất bình đẳng cũng đang gia tăng tại các nước trong khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ và châu Á. Mặc dù, tỷ lệ này có chiều hướng giảm ở khu vực Mỹ Latin và vùng phụ cận Sahara thuộc châu Phi nhưng so với các vùng khác thì vẫn cao hơn rất nhiều.

Cũng theo IMF, nguyên nhân khiến bất ổn chính trị lan rộng tại Ukraine, Ai Cập và Venezuela trong vài năm gần chính là bất bình đẳng thu nhập và kỹ năng quản lý kinh tế kém.

Ngày 13/3, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) công bố bản báo cáo đưa ra phương cách mà 188 nước thành viên có thể tận dụng chính sách thuế và chi tiêu công để ngăn chặn khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng.

IMF cho rằng, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển có thể thu hẹp chênh lệch giàu nghèo bằng cách áp dụng thuế tài sản, thuế thu nhập cá nhân và phân bố lại tài sản. David Lipton, Phó giám đốc điều hành của IMF, nói: “Việc phân bố lại tài sản sẽ giúp giảm tỷ lệ bất đình đẳng trong thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu quá trình cân đối mắc sai lầm thì sẽ phải trả giá rất đắt”.

Ông cũng cho biết, tăng trưởng là yếu tố quan trọng nhất để giúp người nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo khổ. Theo đó, tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập đã giảm đáng kể tại các nền kinh tế đang phát triển nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

IMF cũng nhấn mạnh, các nền kinh tế đang phát triển nên thống nhất và mở rộng các chương trình hỗ trợ cộng đồng, hướng tới lợi ích của người nghèo và tập trung đầu tư vào giáo dục và dịch vụ y tế.

Theo báo cáo của IMF, tác động của việc tăng mức lương tối thiểu tới tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập còn khá mơ hồ.

Nguồn Dân Việt/ WSJ


Sự kiện