Barclays thao túng lãi suất do lo bị quốc hữu hóa?
Những câu hỏi chất vấn xoay quanh thông cáo của Barclays về cuộc điện đàm giữa ông Diamond và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Anh Paul Tucker hôm 29/10/2008. Theo đó, Thống đốc Tucker ngỏ ý giúp duy trì lãi suất liên ngân hàng Libor ở mức thấp. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có coi lời của ông Tucker là bật đèn xanh cho hành động thao túng lãi suất không, ông Diamond trả lời “Không”.
Ông Diamond chỉ thừa nhận, sở dĩ ông gọi điện cho Phó Thống đốc Tucker là bởi lo ngại Chính phủ Anh cho rằng Barclays đến lúc cần cứu trợ tài chính. Trước đó vài tuần, Chính phủ Anh đã tái cấp vốn 500 tỷ bảng Anh cho Ngân hàng hoàng gia Scotland. Các ngân hàng thuộc diện cứu trợ lúc bấy giờ còn có HBOS và Lloyds TSB.
Barclays khi đó muốn tránh gói cứu trợ tài chính của Chính phủ có kèm điều kiện ngặt nghèo và có thể dẫn đến nguy cơ bị quốc hữu hóa. Điều này buộc Diamond quyết định tăng cường huy động vốn từ các nhà đầu tư Trung Đông.
Hai ngày sau cuộc gọi điện trên, đến ngày 31/10, Barclays tuyên bố đã huy động khoảng 7,3 tỷ bảng (tương đương 11,8 tỷ USD) từ chính phủ Qatar và Sheikh Mansour Bin Zayed Al Nahyan – một thành viên trong hoàng gia Abu Dhabi.
Tuy nhiên, theo các nhà điều tiết và Bộ Tư pháp Mỹ, lãi suất Libor của Barclays tiếp tục bị thao túng. Hiện FBI đang triều tra 14 giao dịch viên của Barclays bị coi là trung tâm của bê bối thao túng lãi suất.
Tuần trước, Ngân hàng Barclays đã phải nộp khoản tiền phạt lên tới 290 triệu bảng (452 triệu USD) cho nhà chức trách Anh và Mỹ sau vụ bê bối liên quan đến việc ngân hàng này thao túng lãi suất cho vay liên ngân hàng London (LIBOR) và lãi suất cho vay liên ngân hàng châu Âu (EURIBOR) giai đoạn 2005 – 2009.
Barclays cũng thừa nhận đã báo cáo sai lệch nhằm che giấu các yếu kém tài chính của mình. Tuy nhiên, ông Diamnond cũng cho rằng Barclays đang bị đối xử không công bằng
Nguồn Forbes/DVT