Chủ Nhật | 20/01/2013 14:47

Barack Obama: Lịch sử nhìn tôi như thế nào?

Nếu Barack Obama muốn được nhớ tới như một vị Tổng thống vĩ đại, ông nên tập trung vào 3 vấn đề dài hạn.
Vào ngày mai (21/1), Barack Obama sẽ lần thứ 2 đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống – điều vinh hạnh mới chỉ xảy ra với 16 người trước đó.

Khi trở lại phòng bầu dục, Obama sẽ phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, từ những vấn đề trong nước như cuộc chiến trần nợ công hay kiểm soát súng cho đến xung đột đẫm máu ở Mali và Syria. Tuy nhiên, có những vấn đề dài hạn quan trọng hơn: chắc chắn ông sẽ không chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa, lịch sử sẽ nhìn nhận vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ như thế nào?

Nhìn lại 4 năm qua, có thể nói Obama đã có được 1 nhiệm kỳ khá thành công. Chỉ có một số ít tổng thống phải nhậm chức trong bối cảnh tồi tệ như ông Obama. Nền kinh tế suy giảm 5%/năm, mỗi tháng có khoảng 800.000 việc làm biến mất, nước Mỹ chìm trong 2 cuộc chiến thất bại.

Barack Obama đã làm khá tốt khi giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới từ 1 con bệnh nặng trở lại với chặng đường phục hồi. Cải cách y tế - thành công lớn nhất của Obama - đã cứu giúp hàng triệu người Mỹ. Tất cả những điều này đã thuyết phục được người dân Mỹ dành sự ủng hộ cho Barack Obama để ông có thể tái đắc cử.

Tuy nhiên, Obama vẫn chưa đủ thành công để được ghi nhận là 1 vị tổng thống vĩ đại hay để đảm bảo cho dù nhiệm kỳ thứ 2 có tồi tệ tới đâu người ta vẫn kính trọng và biết ơn ông.

Câu trả lời cho câu hỏi liệu Obama có thể trở thành huyền thoại hay không sẽ được định hình bởi các sự kiện. Ngày 11/9/2001, khi thảm họa đẫm máu xảy ra, cựu Tổng thống George W. Bush đang ngồi đọc sách cùng 1 nhóm học sinh tiêu học ở Florida. Chắc chắn, “cuộc chiến chống khủng bố” là từ không hề có trong từ điển của ông vào lúc đó. Tuy nhiên, ông Bush được miêu tả là người đã mở rộng chính phủ nhiều hơn so với bất kỳ vị tổng thống nào kể từ thời Lyndon Johnson. Ông cũng được nhớ đến vì đã gia tăng mạnh mẽ viện trợ cho châu Phi.

Danh sách những lĩnh vực mà ông Obama có thể ghi dấu ấn là 1 bản danh sách dài. Cải cách luật nhập cư sẽ là món quà tuyệt vời cho nước Mỹ, xây dựng khu vực thương mại tự do EU - Mỹ sẽ giúp ích cho phương Tây. Tuy nhiên, có 3 vấn đề lớn hứa hẹn đem lại rất nhiều danh tiếng cho ông Obama (nếu như được giải quyết thành công) nhưng cũng có thể phá hủy toàn bộ những thành tựu mà ông Obama đã đạt được (nếu như bị bỏ qua).
Cân bằng ngân sách

Điều cơ bản nhất là nước Mỹ phải đưa ngân sách về trật tự vốn có. Năm 2010, Mike Mullen, người sau này làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên bang, đã không nói quá khi cho rằng nợ là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ. Kể từ đó đến nay, nước Mỹ đã nợ thêm 3.000 tỷ USD, đẩy tổng số nợ lên hơn 16.000 tỷ. Hầu hết số nợ này xuất phát từ sự suy thoái của nền kinh tế và các gói kích thích để chống lại suy thoái.

Tuy nhiên, với lượng người thuộc thế hệ baby – boomer nghỉ hưu ngày càng tăng lên, chắc chắn thâm hụt sẽ tăng không ngừng nghỉ. Nếu Obama không thể giúp Mỹ tránh khỏi thảm cảnh vỡ nợ vào tháng 1/2017, ông nên quên đi việc được lịch sử ghi nhận là một vị cứu tinh của nền kinh tế.

Phớt lờ những lời gợi ý của hội đồng thâm hụt do chính ông lập nên, Obama chưa bao giờ đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông hoàn toàn nghiêm túc về các biện pháp cắt giảm chi tiêu. Các khoản trợ cấp lương hưu và trợ cấp y tế cho người nghèo và người già cả sẽ ngày càng hủy hoại ngân sách bởi dân số ngày càng già đi và chi phí y tế tiếp tục tăng theo cách không thể kiểm soát. Không những không cải cách các khoản chi này, ông Obama còn làm tình hình trở nên tồi tệ hơn khi yêu cầu tăng bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp.

Nước Mỹ không thể giải quyết được những rắc rối tài chính nếu như khủng hoảng liên tục lặp lại và các trì hoãn cuối cùng cũng phải được thực hiện. Thêm vào đó, khả năng lãnh đạo thế giới của nước này cũng đang dần biến mất. Tại sao các lãnh đạo ở Bắc Kinh, Brasília, Bogotá hay thậm chí cả ở Berlin luôn muốn học tập Washington? Nếu Obama có thể cân bằng lại ngân sách, ông sẽ được ghi nhận như một nhân vật đã tạo ra bước ngoặt cho nước Mỹ. Nếu không, các thế hệ trong tương lai sẽ nhìn lại những năm tháng dưới thời Bush và Obama là thảm họa.

Đối ngoại với Trung Quốc

Sau nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama cũng có khá nhiều việc ở nước ngoài chưa được giải quyết. Bất chấp những nỗ lực và các bước tiến triển mới, Iran vẫn là mối đe dọa về hạt nhân. Nga tỏ thái độ không thân thiện, châu Âu “lôi thôi lếch thếch” và Trung Đông vẫn căng thẳng. Các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan lâm vào ngõ cụt.

Ông Obama có quá nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, có 1 vấn đề nổi cộm trong nhiệm kỳ thứ 2: mối quan hệ với Trung Quốc. Đến tháng 1/2017, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama đã tránh được các thảm họa. Tuy nhiên, nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn trong nhiệm kỳ thứ 2. Đất nước Trung Quốc với những tiến bộ vượt bậc có thể trở thành có sức mạnh tương đương với nước Phổ cách đây 1 thế kỷ: mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản – đồng minh của Mỹ - trên quần đảo Senkaku là có thực.

Tuy nhiên, ông Obama vẫn có cơ hội biến mối quan hệ này thành thứ hữu ích. Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Obama vẫn chưa nắm bắt bất cứ cơ hội nào để gặp mặt vị lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc. Hãy nhớ lại năm ngoái, Tổng thống Pháp đã ngay lập tức đến thăm Thủ tướng Đức sau khi nhậm chức.

Không chỉ là người có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với thế giới trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Obama, Tập Cận Bình còn nắm quyền thêm 6 năm nữa sau khi ông Obama nghỉ. Do đó, các cuộc gặp song phương ở mọi cấp là điều cần thiết. Mối quan hệ khá tốt giữa các cựu lãnh đạo Bill Clinton và Giang Trạch Dân là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, đó là điều ông Obama nên hướng tới.

Trung Đông

Lĩnh vực cuối cùng mà ông Obama cần phải giải quyết và cũng là lĩnh vực mà ông có thể tạo ra sự khác biệt lớn: thế giới Arab. Mặc dù không thể kiểm soát Mùa xuân Arab, Obama có thể định hướng phong trào này, giống như cách mà cựu tổng thống Bush cha đã làm để kết thúc chiến tranh lạnh.

Syria đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Các quốc gia như Ai Cập và Tunisia có thể được lãnh đạo bởi các thủ lĩnh Hồi giáo. Tuy nhiên, hiện nay, họ là những quốc gia dân chủ và rất cần viện trợ tài chính.

Rất khó để có thể dự đoán phán quyết của lịch sử. Tuy nhiên, nếu như không thể vượt qua 3 vấn đề này (ngân sách, Trung Quốc và Trung Đông), chắc chắn Obama sẽ để lại dấu ấn tồi tệ trong lịch sử. Mỗi vấn đề cần có những biện pháp giải quyết đủ thông minh và dũng cảm. Và, Obama cần phải bắt tay giải quyết ngay bây giờ. Hi vọng ông sẽ thành công.

Nguồn Economist/CafeF


Sự kiện