Thứ Sáu | 24/08/2012 10:05

Báo hiệu sự mất kiểm soát toàn diện tại Afghanistan

Những vụ tấn công mới đây tại Afghanistan đang là sự châm ngòi trở lại, liều lĩnh hơn của phiến quân Taliban ở nước này.
Những ngày này, Afghanistan tiếp tục rúng động bởi những vụ tấn công và bạo lực. Đặc biệt, gây chấn động là vụ máy bay của tướng Martin Dempsey - chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ bị tấn công bằng rocket khi đang ở thăm nước này. Dù nhân vật này đã may mắn thoát nạn nhưng vụ việc đang báo hiệu một sự mất kiểm soát toàn diện tại Afghanistan, bất chấp những lời trấn an từ Mỹ và NATO.

Có thể thấy rằng, việc vị tướng cao cấp nhất của quân đội Mỹ đến Afghanistan trong một chuyến thăm bất ngờ đã thể hiện sự lo ngại đặc biệt của Washington đối với tình hình an ninh của quốc gia Nam Á này. Mối lo ngại đã trở thành mối đe dọa khi máy bay của tướng Martin Dempsey bị phiến quân bắn hai quả tên lửa tại căn cứ không quân Bagram.

Mục đích của chuyến thăm bất ngờ không báo trước đến Afghanistan của tướng Martin Dempsey, mục tiêu đặt ra là thảo luận với giới chức địa phương về tình hình an ninh tại nước này, đặc biệt là các cuộc tấn công gần đây được cho là do binh lính, cảnh sát Afghanistan hoặc các tay súng mặc quân phục nhằm vào lực lượng liên quân. Bởi ngay trước chuyến thăm 1 ngày của tướng Martin Dempsey đã xảy ra vụ một người đàn ông mặc trang phục cảnh sát quốc gia Afghanistan xả súng vào lực lượng Mỹ, làm 1 binh sỹ Mỹ thiệt mạng.

Vụ tấn công xảy ra chỉ 1 tuần sau khi 6 binh sỹ Mỹ bị các thành viên lực lượng an ninh địa phương giết hại tại tỉnh Helman. Như vậy tính từ đầu năm nay, tổng cộng đã có 40 binh lính thuộc lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế đã bị giết hại trong các vụ tấn công tương tự.

Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, các vụ tấn công tại Afghanistan dù xảy ra thường xuyên, nhưng hiếm khi phiến quân Taliban lại tổ chức được các vụ tấn công và gây thiệt hại về người đối với căn cứ không quân Bagram. Bởi từ sau khi xảy ra vụ việc binh sỹ Mỹ đốt kinh Koran bên trong căn cứ không quân này khiến các binh sỹ Afghanistan giận dữ, an ninh đã được thắt chặt tại đây.

Trước đó, từ khi được thiết lập năm 2001, căn cứ không quân lớn nhất của NATO tại Afghanistan này cũng luôn được canh phòng cẩn mật. Thể hiện là trong mấy năm gần đây, dư luận chỉ ghi nhận 2 vụ tấn công liều lĩnh của phiến quân vào năm 2009 và 2010. Như thế, vụ tấn công mới nhất này rõ ràng là sự châm ngòi trở lại, liều lĩnh hơn của phiến quân Taliban tại Afghanistan.

Người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO thừa nhận, đa phần các vụ việc xảy ra bắt nguồn từ sự khác biệt về văn hóa hoặc mâu thuẫn giữa liên quân với lực lượng an ninh địa phương. Với những lo ngại về kiểu tấn công này, bộ trưởng buốc phòng Mỹ Leon Panetta trước đó đã đề nghị tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tăng cường hợp tác với lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế để ngăn chặn sự bùng phát.
Phiến quân Taliban đang trỗi dậy tại Afghanistan

Trong khi mục tiêu chính của chuyến thăm của tướng Dempsey còn chưa được giải quyết thì một mối lo khác lại xuất hiện. Đó là sự liều lĩnh có tổ chức của phiến quân khi tấn công nhằm vào đầu não của NATO, bên cạnh tình trạng "quân xanh đánh quân xanh" khiến mâu thuẫn giữa liên quân và quân chính phủ ngày càng tăng.

Sau những vụ việc này, người phát ngôn lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan Gunter Katz khẳng định, đây chỉ là mảng tối trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa quân đội NATO và lực lượng an ninh chính phủ. Còn tướng Martin Dempsey trong chuyến thăm Afghanistan cũng nhấn mạnh, những vụ tấn công này không ảnh hưởng đến kế hoạch rút quân của liên quân. Nhưng bất chấp những lời trấn an này, dư luận thế giới và cả người dân Afghanistan đang hết sức lo ngại về tình hình an ninh, trật tự tại đây.

Trong khi thời hạn các lực lượng NATO rút quân khỏi Afghanistan đang đến rất gần, những diễn biến này khiến mối lo về một cuộc nội chiến hoặc một tương lai Taliban quay trở lại làm mưa làm gió trở nên rõ ràng.

Sự trỗi dậy của cả phiến quân Taliban lẫn quân chính phủ tại Afghanistan còn đang tạo sức ép cho các nước tham gia cuộc chiến Afghanistan phải nhanh chóng rút quân trước thời hạn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Afghanistan phải hoàn tất nhanh chóng quá trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh đang rất khó khăn.

Một nghịch lý đang diễn ra là mong muốn tự chủ của các lực lượng tại Afghanistan lại đang đi kèm với khủng hoảng, tham nhũng, mất an ninh, đời sống người dân không được đảm bảo. Điều này đang khiến cho tương lai của quốc gia Nam Á này ngày càng mờ mịt hơn.

Nguồn VOV News


Sự kiện