Báo Đức: Triều Tiên nhờ chuyên gia Đức tư vấn ‘mở cửa theo kiểu Việt Nam’
Có vẻ như đó không phải là những lời nói suông. Nhật báo Frankfurter Allgemeine (Đức) số ra ngày 5/1/2013 đã cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng đang xúc tiến việc tham vấn các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật pháp hàng đầu của Đức để xây dựng một nền tảng nhằm tiến tới mở cửa nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
“Họ đã nói với tôi rằng đây là một kế hoạch tổng thể và rất quan trọng. Có điều họ muốn mở cửa ngay trong năm nay”, một chuyên gia kinh tế của Đức tiết lộ.
Tờ Frankfurter Allgemeine đã không tiết lộ danh tính của vị chuyên gia này nhưng cho biết ông ta hiện đang làm việc tại một trường đại học rất danh tiếng của Đức và đã từng cố vấn cho nhiều chính phủ châu Á trong các kế hoạch cải cách và phát triển kinh tế.
Cũng theo tiết lộ của ông này, chính phủ của ông Kim Jong-un đang tỏ ra đặc biệt quan tâm tới việc hiện đại hóa hệ thống luật pháp của họ và những vấn đề có thể sẽ liên quan đến việc đầu tư nước ngoài. Điểm nổi bật nhất của kế hoạch này là Triều Tiên sẽ không đi theo mô hình của Trung Quốc (mở cửa và thiết lập các đặc khu kinh tế dành cho nhà đầu tư nước ngoài).
“Thay vào đó, chính phủ Triều Tiên cho biết họ rất thích mô hình mở cửa và tăng trưởng của Việt Nam, trong đó sẽ xem xét và lựa chọn một số doanh nghiệp hay ngành kinh tế được phép tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài”, tờ Frankfurter Allgemeine cho biết thêm.
Nếu kế hoạch này được thực thi, đó sẽ là một bước ngoặt mang tính cách mạng của đất nước Triều Tiên – quốc gia đã gần như tách biệt với cả thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, nền kinh tế Triều Tiên đang phải gánh chịu rất nhiều hậu quả tồi tệ, người dân liên tục thiếu đói nhiều tháng trong năm và phải phụ thuộc rất nhiều vào các chuyến hàng hóa, lương thực cứu trợ của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền điều hành đất nước thay cho cha mình, Triều Tiên đã bộc lộ khá nhiều dấu hiệu của sự thay đổi. Trong đó, bài phát biểu chào năm mới vừa qua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất đồng thời nó cũng cho thấy Kim Jong-un đã quyết tâm chọn một con đường đi khác hẳn so với cha hoặc ông nội của mình.
Chưa hết, dù vẫn còn khá “kín cổng cao tường” với thế giới nhưng Kim Jong-un lại cho thấy ông ta không hề giấu diếm về sự nghèo nàn và yếu kém của nền kinh tế Triều Tiên. Ông Kim nhấn mạnh và cam kết đổi mới nhưng yêu cầu sự đổi mới đó phải được đặt trên nền tảng của những tiến bộ công nghệ và cho rằng vụ phóng vệ tinh (tên lửa) hôm 12/12 vừa qua chính là một hành động để kích thích lòng tự hào dân tộc.
Nhưng bài báo của Frankfurter Allgemeine cũng cảnh báo rằng “đây mới chỉ là kế hoạch” và họ vẫn không hiểu Triều Tiên sẽ mở cửa kinh tế kiểu gì bởi hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia đều muốn mở cửa để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các doanh nghiệp Phương Tây trong khi quan hệ của Triều Tiên với các quốc gia này vẫn chưa hề có sự cải thiện nào đáng kể.
"Cái khó của chúng tôi là quân đội Triều Tiên vẫn không muốn từ bỏ vị thế quyền lực của mình", vị chuyên gia kinh tế Đức cho biết, “Nếu kiên quyết mở cửa, chắc chắn ông Kim sẽ phải vượt qua rất nhiều sự phản kháng của phe quân đội”.
Nguồn Infonet