Báo Đức: Mỹ từng có 80 căn cứ tình báo trên thế giới
Làm việc tại các căn cứ được thành lập từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước này có nhân viên của Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Theo báo trên, tại châu Âu, ngoài tổ chức 2 cơ sở tình báo ở Đức (Berlin và Frankfurt), Mỹ còn có các nhóm tình báo hoạt động tại Paris (Pháp), Prague (Séc), Geneva (Thụy Sĩ), Madrid (Tây Ban Nha) và Rome (Italy)...
Báo còn cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama không hề hay biết việc Thủ tướng Đức Angela Merkel bị tình báo Mỹ nghe lén. Khi điện đàm với bà Merkel mới đây, ông Obama đã quả quyết nếu biết thì ông đã ngăn chặn hành động do thám nhằm vào bà.
Der Spiegel cho hay việc nghe trộm điện thoại của bà Merkel được thực hiện từ Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, tọa lạc rất gần Phủ Thủ tướng Đức. Tên của nữ thủ tướng này nằm trong danh sách các mục tiêu săm soi của NSA từ năm 2002. Danh sách này vẫn tồn tại thậm chí trước chuyến thăm của ông Obama tới Đức tháng 6 năm nay.
Theo báo, trong các cuộc tiếp xúc mới đây giữa Mỹ và Đức, Washington không phủ nhận việc bà Merkel đã bị do thám.
Vụ bê bối này khiến chính phủ Đức phải triệu Đại sứ Mỹ lên phản đối, điều mà theo báo chí chưa từng xảy ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, theo tờ Bild am Sonntag cũng của Đức, từ năm 2010, Tổng thống Obama biết việc bà Merkel bị theo dõi. Theo báo, năm đó Giám đốc NSA Keith Alexander đã trực tiếp báo cáo với ông Obama về hoạt động rình mò các cuộc gọi của bà Merkel.
Báo còn cho hay các chuyên gia tình báo Mỹ đã giám sát nội dung các tin nhắn và các cuộc gọi điện thoại di động của bà Merkel, nhưng không do thám được các cuộc gọi điện thoại bàn tại phòng làm việc vì được bảo vệ đặc biệt.
Bild am Sonntag cho biết nội dung nghe lén bà Merkel được chuyển thẳng về Nhà Trắng, thay vì chuyển qua trung tâm tình báo Fort Meade tại bang Maryland (Mỹ) theo quy trình thông thường.
Theo báo, người tiền nhiệm của bà Merkel là ông Gerhard Schroder cũng bị nghe trộm.
Việc do thám này được bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush, sau khi chính phủ Đức từ chối tham gia cuộc chiến tại Iraq năm 2002.
Nguồn Vietnam+