Báo động quả bom nợ ở Singapore
Tỷ lệ vay mượn của các hộ gia đình so với GDP của Singapore đã tăng từ mức 64% của năm 2007 lên 77% - nằm trong nhóm cao nhất ở châu Á. Các khoản vay mua nhà – bộ phận chiếm 3/4 tổng số vay nợ của các hộ gia đình – gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản.
Giờ đây, với lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng lên (lợi suất trái phiếu chính phủ Singapore kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 1,4% của tháng 5 lên 2,5%), nỗi lo về bong bóng nợ đang lớn dần.
Theo Taimur Baig, chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, tỷ lệ đòn bẩy cao bắt đầu trở thành nguy cơ khi lãi suất ngắn hạn (vốn liên quan đến lãi suất thế chấp) bắt đầu tăng lên. Baig lưu ý rằng điều mà mọi người lo ngại có thể xảy ra vào năm 2014 nếu như Cục dự trữ liên bang Mỹ quyết định nâng lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng Singapore (SIBOR) – loại lãi suất được sử dụng để định giá các khoản vay mua nhà – có diễn biến sát với lãi suất ở Mỹ.
“Đây là mối lo ngại lớn, bất kỳ đất nước nào có tỷ lệ nợ của hộ gia đình ở mức cao đều sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khi lãi suất tăng lên. Mặc dù không đến mức phá sản, sẽ có những cuộc chuyển biến dẫn đến nền kinh tế bị tổn thương.
Ở châu Á, Singapore chỉ đứng sau Hàn Quốc và Malaysia về mức độ nợ của các hộ gia đình. Tỷ lệ ở hai nước này lần lượt là 88% và 80,5% GDP.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các tài sản tài chính của Singapore vẫn tăng trưởng khá lành mạnh. Điều này sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực mà lãi suất mang lại. Tài sản tài chính của các hộ gia đình (bao gồm tiền tệ, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu và các chứng khoán khác) đã tăng từ mức 72% GDP trong năm 2007 lên 86%.
Các chuyên gia kinh tế lập luận rằng bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình vẫn ở trong trạng thái khỏe mạnh và do đó không có nỗi lo về tình trạng vỡ nợ. Khi lãi suất tăng lên, hàng tháng các hộ gia đình sẽ phải trả số tiền lớn hơn cho các khoản vay thế chấp mua nhà hoặc mu axe hơi. Điều này có thể khiến chi tiêu tiêu dùng giảm xuống. Chính điều này mới là rủi ro, bởi tiêu dùng tư nhân chiếm khoảng 40% GDP của Singapore.
Trong những tháng gần đây, Ủy ban tiền tệ Singapore (MAS) – cơ quan có chức năng như NHTW của nước này – đã tung ra các biện pháp mới nhằm hạn chế nợ tiêu dùng. Gần đây nhất, vào cuối tháng 6 vừa qua, MAS ban hành khung pháp lý mới, yêu cầu các định chế tài chính xem xét đến các nghĩa vụ nợ khác khi cấp một khoản vay bất động sản. Phần trả nợ hàng tháng của người mua bất động sản cũng không được vượt quá 60% thu nhập của anh ta.
Qui định mới được áp dụng cho các khoản vay mua nhà và sẽ được áp dụng mở rộng cho các loại vay khác, bao gồm vay mua xe và vay nợ của sinh viên.
Nguồn CafeF