Bạo động Iraq khuấy đảo thị trường tài chính toàn cầu
Các thị trường tài chính vẫn rung lắc đến tận cuối tuần vừa rồi. Phiên giao dịch chiều ngày thứ Sáu chứng kiến giá dầu thô Brent nhanh chóng leo lên 114 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 9/9/2013, trước khi giảm nhẹ trở lại xuống 113,67 USD/thùng trên sàn giao dịch châu Âu ICE Futures Europe. Giá dầu thô giao sau của Mỹ cũng tăng 0,6%, lên 107,15 USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange, mức cao nhất kể từ 19/9/2013.
Các nhà đầu tư cổ phiếu dường như cũng mất bình tĩnh, theo đó, chỉ số Stoxx 600 Europe giảm 0,4%, chỉ số DAX của Đức và FTSE 100 của Anh đều giảm 0,7%, trong khi CAC-40 của Pháp giảm 0,6%. Vàng, thường được nhà đầu tư ưa chuộng trong những thời điểm bất ổn, tăng lên mức cao nhất kể từ 27/5.
Tình trạng ở Iraq là “mối nguy rõ ràng và đang diễn ra”, David Hufton của PVM nói.
Biến động thị trường bắt đầu từ khi phiến quân hồi giáo giành được vị thế ở khắp khu vực phía Bắc hôm thứ Tư và lực lượng quân đội Kurdish hôm thứ Hai đã nắm quyền kiểm soát ở một vài bộ phận thuộc khu vực thủ phủ phía Bắc, Kirkuk, khiến cho tâm lý thị trường rung lắc trên các sàn giao dịch dầu toàn cầu. Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9, kéo theo sự biến động tại thị trường Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.
Trong khi đó, giá dầu đã dao động trong biên độ rộng suốt vài tháng nay do những bất ổn địa chính trị tại các quốc gia xuất khẩu dầu lớn. Đối với Iraq, nỗi lo lần này còn lớn hơn nhiều: Iraq sản xuất 3,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 2, mức cao nhất kể từ cuộc chiếm đóng do Mỹ dẫn đầu hồi năm 2003.
Mặc dù nguồn cung dầu của Mỹ đã gia tăng, nhưng lượng dầu xuất khẩu của các quốc gia cung dầu khác lại giảm xuống, trong đó có Libya và Iran. Sự bất ổn ở Iraq, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 7 thế giới, đủ để khiến các thị trường tài chính chao đảo.
Trước đó, Iraq đã được kỳ vọng sẽ tăng xuất khẩu để bù đắp cho Libya và một vài khu vực khác. Nhưng giờ đây, viễn cảnh này trở thành một nỗi hoài nghi trước các cuộc bạo động leo thang.
Cho đến nay, các cuộc chiến vẫn chưa ảnh hưởng tới các mỏ dầu chính, Iraq hiện vẫn đang xuất khẩu dầu thô. “Hiện nay chỉ có rủi ro nhỏ đối với sản lượng dầu”, Olivier Jakob của Petromatrix nói. "Các mỏ dầu chính ở miền Nam nằm cách rất xa. Kurdistan rất an toàn. Rủi ro tức thì tới nguồn cung là rất thấp”.
Mặt khác, OPEC đã nhanh chóng đưa ra dấu hiệu rằng nguồn cung dầu thô sẽ vẫn được duy trì. Khối này quyết định sẽ vẫn giữ hạn ngạch sản xuất dầu hiện tại, mặc dù khối dự báo nhu cầu tăng cao đối với dầu sẽ đặt áp lực đẩy giá dầu lên cao. Giá dầu thô Nymex đã tăng 8,2% trong năm nay và Brent đã tăng 2%.
Ngoài Iraq, chỉ có Ả-rập xê-út được cho là có đủ trữ lượng để bù đắp nguồn cung dầu nói chung. Bộ trưởng phụ trách ngành dầu của nước này, Ali Naimi, nói rằng, có thể tăng sản lượng lên 12,5 triệu thùng/ngày nếu cần. Hiện vương quốc này đang sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày, theo số liệu OPEC. Trước đó, Ả-rập xê-út cũng đã tăng sản lượng lên để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Libya.
Một vài ước tính cho thấy, giá dầu tăng khoảng 10% sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống 0,5% trong khoảng thời gian 2 năm. Nền kinh tế Mỹ trong khi đó vẫn còn rất dễ tổn thương. Tăng trưởng giảm trong quý I và niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống trong tháng 5. Hôm thứ Năm, con số về tỷ lệ thất nghiệp được công bố cao hơn dự đoán và tăng trưởng bán lẻ lại thấp hơn dự đoán.
Tại châu Á, trong phiên chiều thứ Sáu, chỉ số Nikkei Average của Tokyo giảm 0,7%. Việc suy giảm này dường như xuất phát từ việc đồng JPY tăng lên (giá đồng USD đã giảm từ 102 JPY cuối ngày thứ Năm xuống còn 101,65 JPY). Một loạt tên tuổi lớn trên sàn giao dịch nước này cùng giảm: Olympus giảm 1,2%, Fuji Electric 1,1%, Toyota 1% và Honda giảm 1,7%.
Nguồn Đầu Tư Chứng Khoán