Hàng ngàn người biểu tình đã đổ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Ảnh: AFP
Bạo động "Áo Vàng" lan rộng tại Pháp
"Bãi chiến trường"
Cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng bắt nguồn từ phản đối thuế nhiên liệu khiến xăng dầu lên giá đã biến thành một cuộc bạo động phá phách chưa từng có từ nhiều thập niên qua ngay tại trung tâm thủ đô của Pháp diễn ra từ ngày 1.12.
Thủ đô nước Pháp đã biến thành "một bãi chiến trường". Hàng nghìn hiến binh và cảnh sát dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng, vòi rồng chống lại những người biểu tình mang mũ bảo hiểm hay mặt nạ trượt tuyết. Biểu tượng vinh quang của nước Pháp là Khải Hoàn Môn cũng trở thành đối tượng đập phá.
Tờ The Wall Street Journal nhận định đây là "một trong các cuộc biểu tình chống chính phủ bạo lực nhất tại Paris từ nhiều thập niên". Phong trào biểu tình này có cơ lan rộng gây hỗn loạn không kiểm soát nổi. Trong khi đó các đảng phái đối lập lợi dụng tình hình quy trách nhiệm cho chính quyền của Tổng thống Macron.
Đối với phong trào Áo vàng, đòi hỏi của họ giờ không còn là duy nhất chỉ còn có giảm giá xăng dầu mà đã mở ra những khó khăn, phẫn nộ của đông đảo tầng lớp dân chúng từ bình dân đến trung lưu. Cuộc huy động của những người Áo Vàng vì thế có hội biến thái thành phong trào chống đối chính sách của chính phủ nói chung.
Biểu tình đã biến thành đập phá và bạo động. Ảnh: AFP
Các đảng phái chính trị đối lập vẫn một mặt lên án bạo lực nhưng họ không bỏ lỡ cơ hội thổi bùng lên ngọn lửa chống đối nhằm làm suy yếu Tổng thống Emmanuel Macron. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang phải đối mặt với một thách thức lớn nhất từ khi ông lên nắm quyền.
Cuộc gặp cuối cùng giữa đại diện những người Áo Vàng với thủ tướng hôm 30.11 vừa qua đã thất bại. Những người Áo Vàng tiếp tục phong tỏa các trục lộ giao thông ở các tỉnh, phong tỏa các kho xăng và hàng trăm trường trung học cũng bị phong tỏa để phản đối cải cách giáo dục.
Thủ tướng Pháp đang tiếp các đảng phái chính trị, sáng nay chính phủ thông báo đề nghị mở cuộc tranh luận tại Quốc hội vào ngày 5.12 và tại Thượng viện ngày 6.12. Chính phủ hứa sẽ có ngay biện pháp để ra khỏi khủng hoảng một cách êm thấm. Một số biện pháp tài chính được Thủ tướng Edouard Philippe hứa hẹn như hỗ trợ thay thế máy sưởi đốt bằng dầu cặn, mua xe mới ít gây ô nhiễm, phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó là đề nghị không bỏ rơi nông thôn, không quên các lãnh thổ hải ngoại, mà cụ thể là đảo Réunion vốn đang bị bạo động từ một tuần nay...
Nỗi thất vọng kéo dài
Không còn sự lựa chọn nào khác, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố dừng việc tăng giá xăng dầu từ 4/12 sau ba tuần dân xuống đường biểu tình biến thành bạo loạn. Quyết định này đưa ra với hy vọng làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa đằng sau phong trào phản kháng chưa từng có này là nỗi thất vọng kéo dài từ nhiều thập niên qua, các rạn nứt xã hội giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn, rất nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu hay công nhân vừa bị khủng hoảng tài chính, kinh tế đe dọa cuộc sống hàng ngày, vừa mất niềm tin vào tương lai.
Tờ báo The Globe and Mail nói đến các điểm chung giữa Pháp và gần như tất cả các quốc gia phát triển khác. Đó là nơi tầng lớp tinh hoa tại đô thị có đời sống khá giả tìm cách áp đặt gánh nặng của các chương trình chống biến đổi khí hậu cho một bộ phận lớn dân cư đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày.
Nỗi phẫn uất của rất nhiều người Pháp tham gia phong trào Áo Vàng hiện nay là tương tự với người dân tại nhiều quốc gia phát triển hay đang phát triển khi họ phải đối đầu với sự bất bình đẳng tăng vọt.