Thứ Sáu | 18/10/2013 14:43

Báo chí Mỹ châm biếm đầy "cay đắng" về sự thoát hiểm của chính phủ

Ngay sau khi Quốc hội và tổng thống Mỹ đưa ra quyết định cứu nước Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ, hàng loạt tờ báo lớn đã đăng bài châm biếm về sự thoát hiểm trên của chính phủ Mỹ.

Đúng như mong đợi, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thống nhất về một thỏa thuận kép về việc nâng trần nợ công và kết thúc tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ suốt 16 ngày (bắt đầu từ 1/10 đến 16/10).

Như vậy, nước Mỹ đã tránh được nguy cơ mất khả năng chi trả, Bộ Tài chính có thể tiếp tục vay nợ cho đến ngày 7/2/2014. Các cơ quan của chính phủ liên bang cũng được mở cửa trở lại và tiếp tục được cấp kinh phí hoạt động cho đến ngày 15/1 năm sau. Nhưng dù cho giới hạn thời gian được kéo dài thêm vài tháng thì những lo âu vẫn còn nguyên đó, như báo chí Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh trong các bài báo ra ngày hôm nay, ngay sau khi chính phủ mở cửa trở lại.

“Như quả bom nguyên tử trong bộ phim của James Bond, khủng hoảng trần nợ có vẻ đã được tránh khỏi chỉ vài phút trước khi đồng hồ đếm ngược chạy đến những giây cuối cùng”, tờ Daily Beast đã mở đầu bài báo với một chút châm biếm như vậy, trước khi đưa ra dự báo rằng: “Điều quan trọng cần phải hiểu là cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc”.

Khủng hoảng sẽ chấm dứt khi tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng tốc, còn người dân Mỹ thì ngày một lạc quan hơn về tương lai của mình, khi tài trợ bảo hiểm y tế cho người về hưu sẽ được đảm bảo trong dài hạn và gánh nặng thuế khóa được phân chia rộng hơn. Tất cả được Daily Beast liệt kê trước khi kết luận: “Không có điều gì trong số những điều kể trên có thể sớm xảy ra, vậy nên tốt hơn hết chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều cuộc khủng hoảng trong tương lai”.

"Những mối đe dọa mới" đối với nền kinh tế Mỹ

Theo một quan điểm được đăng trên tờ Washington Post, thỏa thuận này « cho phép tránh khỏi một thảm họa tài khóa, nhưng lại khiến cho nền kinh tế Mỹ đang suy yếu lại phải đối mặt với những mối đe dọa mới ». Trong số đó có lệnh tự động gia hạn cắt giảm ngân sách và vấn đề thất nghiệp đang ngày một nghiêm trọng và thách thức nợ trong dài hạn bắt nguồn từ các chương trình chi trả cho bảo hiểm y tế và lương hưu.

Một cách bi quan, Washington Post đã đưa ra dự đoán về những thách thức sắp tới: “Các nhà lập pháp của hai đảng sẽ dành hai tháng sắp tới để đưa ra thỏa thuận có thể giảm nhẹ những rủi ro này. Nhưng có rất ít hi vọng rằng nỗ lực này sẽ đi tới thành công, vì trong những năm gần đây, nhiều sáng kiến tương tự đã thất bại do những bất đồng trong chính sách thuế và chi tiêu".

Washington Post cũng nhấn mạnh quan điểm: vì cuộc chiến ngân sách mới được dự kiến sẽ diễn ra "trong năm tuần đầu tiên của năm 2014", "người tiêu dùng và doanh nghiệp có khả năng sẽ tiết kiệm chi tiêu và đầu tư trong kì nghỉ lễ cuối năm này".

Giới kinh doanh thất vọng về đảng Cộng hòa

Về phần mình, Gail Collins trên tờ New York Times đã kể lại một câu chuyện pha lẫn cả hoài nghi và châm biếm. Ngay từ những câu đầu tiên nhà báo đã viết: "Quốc hội đã quyết định không kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng ta cũng không thể kì vọng điều gì tốt hơn thế".

Tác giả tấn công trực tiếp vào Quốc hội, mà theo quan điểm của bài báo, đã không đưa ra những câu hỏi chính xác : “điều gì sẽ xảy ra với ngân sách”. Mà đáng lẽ phải đặt ra cả "câu hỏi về tự động cắt giảm ngân sách". Vậy nên, Gail Collins đã viết một cách cay đắng rằng: "Bạn có thấy Quốc hội giống bộ phim Gravity (nhân viên chính phủ bị gửi vào không gian) hay phim Captain Philips (những người anh hùng bị mắc kẹt trong một nơi chất hẹp và ẩm ướt)?"

Loạt bài trên báo chí Mỹ sau sự kiện Mỹ thoát hiểm đã chỉ trích và châm biếm đầy cay đắng hành động của chính phủ và các chính trị gia Mỹ
Loạt bài trên báo chí Mỹ sau sự kiện Mỹ thoát hiểm đã chỉ trích và châm biếm đầy cay đắng hành động của chính phủ và các chính trị gia Mỹ

Đối với Wall Street Journal, cuộc khủng hoảng này đã đánh dấu sự rạn nứt giữa giới doanh nhân và đảng Cộng hòa – « một mối quan hệ đã tồn tại trong nhiều thập kỉ ». Tờ báo cho biết "nhiều lãnh đạo công ty đã rụng rời khi các nhà lãnh đạo đảng cộng hòa đã làm ngơ trước những cảnh báo của họ" về sự nguy hiểm của tình trạngđóng cửa chính phủ và những rủi ro nợ đối với nền kinh tế Mỹ, còn "những người khác đã bộc lộ sự căm phẫn với chính sách của Washington nói chung".

Những hệ quả của sự chia rẽ này là khá rõ ràng. "Hoàn cảnh này đã đẩy những nhóm vận động hành lang cho doanh nghiệp, trong đó có Phòng thương mại Mỹ, xem xét về việc tham gia đảng Cộng hòa trong năm tới, với hi vọng thay thế những người bảo thủ của đảng này và có thể đưa ra các quyết định có lợi hơn cho giới doanh nghiệp", tờ báo này nhấn mạnh.

"Khởi đầu của những triển vọng"?

Trong một bài xã luận, USA Today bày tỏ sự hối tiếc về một nền chính trị bế tắc. Nhiều lời kêu gọi Quốc hội "giải quyết tranh chấp về các vấn đề ngân sách trước khi hết thời hạn là vô cùng tuyệt vọng".

Tuy nhiên, tờ báo phủ nhận sự thất bại. Thay vào đó, tác giả nhận định rằng "Cái kết của một cuộc khủng hoảng sẽ có thể là khởi đầu cho những điều triển vọng hơn". Với điều kiện là hai đảng có thể đồng thuận trong ba vấn đề: hạn chế thâm hụt ngân sách, cải cách chính sách nhập cư và đơn giản hóa hệ thống thuế.

"Bạn có thấy Quốc hội giống bộ phim Gravity (nhân viên chính phủ bị gửi vào không gian) hay phim Captain Philips (những người anh hùng bị mắc kẹt trong một nơi chất hẹp và ẩm ướt)?"

Theo USA Today, những yếu tố làm đảo lộn bối cảnh chính trị trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11/2014, "đặc biệt nếu như các cuộc thăm dò cho thấy có ngày càng nhiều số lượng cử tri phẫn nộ với tình hình bế tắc chính trị đang tiếp diễn, những cuộc khủng hoảng về mọi mặt và những vết thương đến nền kinh tế có thể xảy ra".

Cuộc đấu tranh chính trị giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa đã tạm thời chấm dứt, một cuộc khủng hoảng đang xảy ra thường xuyên cứ hai năm một lần. Những ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD với hàng trăm ngàn việc làm bị lãng phí đã khiến "người dân Mỹ đã hoàn toàn chán ngấy với Washington", như lời phát biểu của chính Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày hôm qua.

Ông không hề tỏ ra vui mừng vì một chiến thắng của bất kì đang phái nào, thay vào đó, tập trung nhấn mạnh vào việc chấm dứt những trò chơi chính trị kiểu như vậy trong tương lai. Quan điểm chủ đạo của báo chí Mỹ là châm biếm sự thoát hiểm trong gang tấc đã phản ánh một sự thật rõ ràng về một cuộc khủng hoảng thực sự không vì điều gì cả, một cuộc khủng hoảng vô nghĩa đối với tất cả, trừ giới chính trị gia Mỹ và không biết ai sẽ trả giá cho 24 triệu USD thiệt hại trong 16 ngày vừa qua?

Nguồn Wall Street Journal, Washington Post, New York Times & Daily Beast/Dân Việt


Sự kiện