Thứ Tư | 21/05/2014 14:54

Bảng cân đối kế toán khổng lồ của Fed qua 7 biểu đồ

Bảng cân đối kế toán của Fed đã vượt xa con số khó có thể tưởng tượng được là 4,1 ngàn tỷ USD. Đây là một con số quá lớn, thậm chí theo chuẩn mực của Washington.

Theo nhà kinh tế trưởng người Mỹ Vincent Reinhart của Morgan Stanley, quy mô của bảng cân đối này cao gấp 2 lần so với mức chi tiêu của Chính phủ cho 50 bang, bằng 56 lần tài sản ròng của Bill Gates và có thể mua 6,5 tỷ iPhones.

Vậy bảng cân đối kế toán của Fed đã phình quá to như vậy như thế nào? Điều này có ý nghĩa gì đối với các thị trường? Và liệu điều này có khiến lạm phát suy yếu trong thời gian tới?

Nhân dịp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo thường niên về các hoạt động thị trường mở, đây là cơ hội tốt để hiểu rõ hơn về bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này.

Được biết, bảng cân đối kế toán của Fed đã phình to dưới thời cựu Chủ tịch Ben Bernanke. Nhiều người cho rằng nhiệm vụ chính của tân Chủ tịch Janet Yellen là cắt giảm quy mô của lượng tài sản mà Fed đang nắm giữ mà không làm các thị trường tài chính thất vọng.

h

Trong bối cảnh lãi suất ngắn hạn tiếp tục duy trì gần mức 0%, Fed bắt đầu áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) với việc mua vào 1,1 ngàn tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp vào mùa xuân năm 2009. Mục đích của động thái này nhằm hạ thấp lãi suất dài hạn và thúc đẩy tăng trưởng. Hơn nữa, theo kỳ vọng, động thái này cũng sẽ khiến nhà đầu tư tránh xa các tài sản an toàn và đổ thêm tiền vào các tài sản rủi ro.

Biểu đồ này thể hiện 3 đợt mua vào tài sản của Fed, đợt thứ nhất diễn ra vào mùa xuân năm 2009, đợt thứ hai được thực hiện khi nền kinh tế “loạng choạng” vào tháng 11/2010 và đợt thứ ba được tiến hành vào tháng 9/2012 sau khi nền kinh tế chứng kiến thêm một đợt giảm tốc nữa.

Chỉ riêng trong năm 2013, Fed đã mua thêm tổng cộng 1,02 ngàn tỷ USD chứng khoán dài hạn, nâng tổng quy mô của bảng cân đối kế toán tại thời điểm cuối năm lên 3,8 ngàn tỷ USD.

Trong suốt năm đó, lượng trái phiếu kho bạc tăng thêm 543 tỷ USD trong khi lượng chứng khoán thế chấp tăng thêm 509 tỷ USD. Fed dự báo bảng cân đối kế toán sẽ chạm đỉnh tại mức 4,2 ngàn tỷ USD vào cuối năm nay khi Fed đã bắt đầu thu hồi chương trình mua trái phiếu.

g

Ông Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP, nhận định biểu đồ này cho thấy chương trình mua trái phiếu đã thay đổi chính sách đầu tư của Fed như thế nào. Thông thường, các ngân hàng trung ương nắm giữ các tài sản với thời gian đáo hạn ngắn để có thể huy động được tiền mặt trong trường hợp khẩn cấp.

Trong danh mục của Fed, các tài sản ngắn hạn từng chiếm tỷ trọng tới 60% nhưng hiện chỉ chiếm chưa tới 10%.

h

Brian Bethune, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Tufts, cho biết biểu đồ này cho thấy lượng tài sản khổng lồ mà Fed đang kiểm soát. Ông nói: “Đó là một con số khá sốc”.

Tuy nhiên, biểu đồ đó cũng cho thấy ngân hàng trung ương đã đẩy rủi ro lãi suất tăng cao từ thị trường tư nhân sang bảng cân đối kế toán của mình, ông Bethune cho biết thêm. Tài sản của lĩnh vực tư nhân sẽ không bị tác động mạnh khi giá trái phiếu giảm và lãi suất tăng.

g

Kỳ hạn danh mục (portfolio duration) của Fed đã nhích nhẹ từ 6,3 năm lên 6,8 năm trong năm 2013. Trong khi đó, kỳ hạn danh mục chứng khoán thế chấp của các đại lý là các công ty quốc doanh tăng gần gấp đôi lên 5,7 năm.

Theo ông Bethune, biểu đồ này cho thấy Fed, mặc dù chưa hoàn toàn, đã bảo vệ lĩnh vực tư nhân như thế nào trước đà gia tăng của lãi suất.

Còn theo ông Crandall, biểu đồ trên nói lên rằng Fed đã cố gắng để kiểm soát đà gia tăng của kỳ hạn danh mục do Bộ Tài chính đặt ra.

h

Chương trình mua trái phiếu của Fed đã đem lại mức lãi ròng khá cao, với tổng cộng 84 tỷ USD trong năm 2013.

Theo quy định, Fed phải nộp tất cả các khoản lợi nhuận còn lại, sau khi đã thanh toán hết các chi phí hoạt động, cho Bộ Tài chính Mỹ và số tiền mà Fed đã thanh toán trong năm 2013 là 79,6 tỷ USD.

Trên thị trường xuất hiện lo ngại cho rằng khoản thanh toán của Fed có thể cạn kiệt khi lãi suất tăng vọt và giá trị của các chứng khoán trong bảng cân đối kế toán ngân hàng trung ương sụt giảm.

Biểu đồ này là dự báo mới nhất của Fed về mức thu nhập ròng trong một thập kỷ tới. Lãi suất càng cao thì thu nhập của Fed càng giảm. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nhận thấy thu nhập ròng sẽ không giảm về mức 0.

Dự báo của Fed dựa trên giả định rằng ngân hàng trung ương sẽ không bán các chứng khoán thế chấp. Nếu không bán tài sản, các khoản lỗ chưa thực hiện sẽ không tác động đến lượng tiền mà Fed nộp cho Bộ Tài chính Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed sẽ không bán bất kỳ tài sản nào. Nên nhớ rằng, việc bán tài sản sẽ thắt chặt tín dụng, một động thái trái với chương trình nới lỏng định lượng (QE).

h

Biểu đồ cho thấy lượng tài sản thế chấp mà Fed đã mua vào chiếm một nửa lượng chứng khoán thế chấp kỳ hạn 15 năm và 30 năm với lợi suất cố định do các đại lý là công ty quốc doanh phát hành trong năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể khi lượng phát hành mới giảm vào khoảng giữa năm trong khi lượng mua vào của Fed vẫn không thay đổi.

Đến cuối năm, Fed đã mua vào 60% chứng khoán thế chấp do các đại lý phát hành.

Fed cho biết hầu như không có tín hiệu nào cho thấy thị trường sẽ rơi vào tình trạng trì trệ đáng kể.

g

Biểu đồ này cho thấy khoản dự trữ vượt quá, hiện đã đạt kỷ lục 2,5 ngàn tỷ USD, đang nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại.

Hiện một số nhà kinh tế đang rất lo sợ rằng, khi các ngân hàng quyết định đem lượng tiền này ra cho vay, lạm phát sẽ tăng mạnh. Charles Evans, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Khu vực Chicago, mới đây đã cố gắng dẹp tan đi những lo sợ này.

Ông cho biết trong một bài phát biểu đầu tháng này rằng: “Điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tăng cao? Ồ, tác động sẽ rất lớn. Tín dụng ngân hàng tăng quá mạnh chắc chắn sẽ đi kèm với nhu cầu vay vốn cao hơn và đem lại đà tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế. Tăng trưởng mạnh và nguồn tài nguyên ngày càng bớt ảm đạm sẽ là một phần của câu chuyện này, và môi trường lãi suất cao hơn sẽ là một yếu tố tự nhiên xoa dịu áp lực lạm phát ngày càng tăng cao”.

Fed sẽ nâng lãi suất mà cơ quan này phải thanh toán cho các khoản dự trữ quá mức nếu muốn để xoa dịu áp lực lạm phát. Tổng quy mô của các khoản dự trữ quá mức được dự báo sẽ chạm đỉnh tại mức 3 ngàn tỷ USD vào cuối năm nay.

Nguồn Vietstock


Sự kiện