Băng Bắc Cực có thể sẽ tan chảy hết trong 4 năm tới
Trong một email gửi đến tờ báo Guardian, giáo sư Peter Wadhams viết: "Biến đổi khí hậu không còn là hiện tượng mà chúng ta có thể giải quyết trong vòng vài thập kỷ, chúng ta không chỉ phải nhanh chóng giảm lượng khí thải CO2 mà còn phải khẩn trương xem xét các biện pháp khác nhau để làm chậm hiện tượng nóng lên của toàn cầu".
Giáo sư Wadhams đã dành nhiều năm thu thập dữ liệu về độ dày của băng từ các tàu ngầm dưới Bắc Băng Dương. Ông đã dự báo hiện tượng các tảng băng bị tách ra vào mùa hè năm 2007, với diên tích băng giảm xuống còn 4,17 triệu km2. Năm nay, diện tích của các tảng băng giảm mạnh 500.000 km2 xuống còn gần 3,5 triệu km2.
"Hiện tượng băng tan chảy vào những tháng mùa hè trong nhiều năm chủ yếu là do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Lúc đầu hiện tượng này không được nhận thấy, băng dần dần tan chảy với tốc độ mà các chuyên gia cho rằng hiện tượng này sẽ kéo dài thêm 50 năm hoặc lâu hơn. Nhưng cuối cùng, tốc độ tan băng ngày càng lớn và theo dự đoán của tôi, các tảng băng cuối cùng sẽ tan chảy vào năm 2015 hoặc 2016", ông Wadhams cho biết.
Trong những năm qua, nền nhiệt độ trái đất đã tăng lên đáng kể. Theo tính toán của các nhà khoa học, trái đất đã trải qua 13 năm nóng nhất trong vòng 15 năm qua, kèm theo các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như các đám cháy rừng nghiêm trọng ở Bắc Mỹ hay lũ lụt ở châu Á.
Biển băng tại Bắc Cực đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây là một trong những khu vực có tác động mạnh tới khí hậu và thời tiết toàn cầu, nói cách khác, Bắc Cực giống như điều hòa nhiệt độ của trái đất bởi có tới 80% ánh sáng mặt trời được phản xạ trở lại không gian.
Hậu quả của hiện tượng tan băng ở Bắc Cực không chỉ liên quan đến môi trường mà còn đặt ra các vấn đề địa chính trị của khu vực này, đó là nguồn nhiên liệu và việc khai mở các tuyến đường hàng hải mới.
Nguồn Guardian/Khampha