Lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tại Thượng đỉnh lần 3.

 
Lam Hồng Thứ Hai | 01/10/2018 11:10

Bán đảo Triều Tiên tiến tới phi vũ trang Khu vực an ninh chung

Dù Thượng đỉnh Liên Triều 3 kết thúc với câu hỏi "táo bạo hay ngây thơ", nhưng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang có nhiều thuận lợi.

Theo KBS, vào hôm thứ Hai (1/10), Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu triển khai gỡ mìn tại ngọn đồi Hwasalmori (đồi Đầu mũi tên) nằm trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), thuộc địa phận huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon) và Khu vực an ninh chung (JSA), làng đình chiến Bàn Môn Điếm. 

Đây là một nội dung đã được lãnh đạo hai miền Nam-Bắc ký kết trong "Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm ở lĩnh vực quân sự", tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba tại Bình Nhưỡng.

Sau khi công tác gỡ mìn trong vòng 20 ngày kết thúc, Hàn Quốc và Triều Tiên cùng Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc, sẽ chính thức thảo luận về phương án phi vũ trang Khu vực an ninh chung. Hai bên sẽ xúc tiến phương án rút binh lính xuống mức tối thiểu là 35 người mỗi bên, rút súng trường cá nhân và súng ngắn. Sau đó, hai miền sẽ thảo luận về phương án cho phép khách du lịch thăm Bàn Môn Đếm có thể vượt qua ranh giới quân sự liên Triều ở phía trong Khu vực an ninh chung, qua lại giữa hai bên.

Theo Financial Times, nguyên thủ Hàn Quốc có nguy cơ rơi vào chiếc bẫy cổ điển của Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng vờ có những nhượng bộ nhằm làm giảm bớt các áp lực của quốc tế, và có được sự trợ giúp kinh tế. Triều Tiên không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân, vốn dĩ là nguồn bảo đảm cho sự sống còn của chế độ. Bằng chứng là kể từ sau thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ở Singapore hồi tháng 6/2018, chưa có một tiến bộ nào trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận cả Mỹ và lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên đều mong muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh. Vì tình trạng đình chiến, kéo dài từ năm 1953 đến nay, cản trở việc thực hiện nhiều ưu tiên khác.

Viễn cảnh tái lập hòa bình đã hé mở sau thượng đỉnh Moon – Kim lần ba. Lời đề nghị nhã nhặn của lãnh đạo Triều Tiên muốn gặp lại nguyên thủ Mỹ là một tín hiệu đáng khích lệ cho việc tìm kiếm một giải pháp cho bán đảo.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Hàn Quốc trong cuộc gặp với báo giới tại New York, Mỹ hôm 28/9 (theo giờ địa phương) nhận định, tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) giữa hai miền Nam-Bắc và Mỹ là tuyên bố mang tính chính trị, không ảnh hưởng đến liên quân Hàn-Mỹ hay quân đội Liên Hiệp Quốc. 

Về vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh, người này cho biết Hàn Quốc đang xem xét đưa ra tuyên bố theo hướng chấm dứt chính sách đối đầu, hai bên tiến tới hòa bình và phi hạt nhân hóa một cách thiện chí. Trong khi đó, phía Mỹ lại xem xét về ý nghĩa pháp lý nhiều hơn, và phía Mỹ hiểu rõ lập trường của Chính phủ Hàn Quốc.
 
Quan chức này khẳng định việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là trên quan điểm tiếp tục duy trì trạng thái đình chiến cho đến khi có một hiệp định hòa bình mang tính pháp lý, nhấn mạnh việc này không có ảnh hưởng gì đến quân đội Liên Hiệp Quốc hay thể chế đình chiến.

Ban dao Trieu Tien tien toi phi vu trang Khu vuc an ninh chung
Triều Tiên tặng đôi chó giống Pungsan để kỷ niệm hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tổ chức tại Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa hôm thứ Bảy (29/9) đã tham dự buổi tọa đàm với các nhà báo thường trú tại New York (Mỹ), tổ chức ở Văn phòng đại diện Hàn Quốc tại Liên hợp quốc ở Manhattan, New York. 
 
Liên quan đến vấn đề thực hiện các dự án hợp tác liên Triều là đi ngược lại với cấm vận miền Bắc, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết Hàn Quốc vẫn chung lập trường với Mỹ là duy trì cấm vận cho đến khi phi hạt nhân hóa toàn diện. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định có thể linh hoạt trong quá trình thực hiện, tùy theo biện pháp và tốc độ giải trừ hạt nhân của miền Bắc cũng như tiến triển trong các cuộc đàm phán. Hàn Quốc sẽ xem xét phản ứng của Ủy ban cấm vận Liên Hiệp Quốc và tiến hành một số nghiên cứu, điều tra nhằm được miễn cấm vận hoặc được cho vào danh sách ngoại lệ.