Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Kim Yo Jong.
Bán đảo Triều Tiên: Thể thao và "trò chơi" ở Pyeongchang
Thiện chí và xuống thang
Phái đoàn chính thức Triều Tiên đã trở về nước sau ba ngày tham dự Thế vận hội Pyeongchang diễn ra tại Hàn Quốc. Kim Jong Un khá bất ngờ khi quyết định gửi một phái đoàn đến Pyeongchang và nhất là qua em gái, Kim Yo Jong, chuyển lời mời Tổng thống Moon đến Triều Tiên khi "điều kiện cho phép". Ông Kim Jong Un muốn gặp ông Moon "trong tương lai gần" và muốn ông đến thăm Triều Tiên "sớm nhất có thể. Ông Moon đáp lại rằng "hãy tạo môi trường để điều đó có thể xảy ra," phát ngôn viên Nhà Xanh Kim Eui-kyeom cho biết trong một cuộc họp báo.
Từ ngày 28/11/2017, Bình Nhưỡng tạm ngưng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Seoul thuyết phục được Washington lùi chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn đến sau Thế vận hội. ngoại trưởng Hàn Quốc bà Kang Kyung Wha lạc quan cho rằng: "Trong lĩnh vực ngoại giao, Seoul dự trù "một môi trường mới" cho thời kỳ hậu Olympic Pyeongchang".
Những cử chỉ đầy thiện chí giữa Seoul và Bình Nhưỡng mang tính trình diễn hay là một bước đột phá cả về ngoại giao lẫn chiến lược do Bình Nhưỡng chủ động?
Trên thực tế những động thái ngoại giao ngoạn mục liên tiếp diễn ra trong ba ngày qua tại Pyeongchang và Seoul đã được cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên chuẩn bị từ lâu trước đó. Từ khi đắc cử Tổng thống tháng 5/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nỗ lực biến Thế vận hội lần này thành một diễn đàn hòa bình với hy vọng nước láng giềng "xuống thang" trong các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đầy đe dọa.
Hình ảnh sự kiện em gái Kim Jong Un cùng dự một buổi lễ hòa nhạc bên cạnh Tổng thống Moon Jae In đã được truyền đi khắp thế giới. Nhưng theo giới quan sát, thiện chí đó của Bình Nhưỡng đẩy Seoul vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì, khi trở nên thân thiện với chế độ Kim Jong Un, thì Hàn Quốc dường như đi ngược với các sức ép của Washington áp đặt lên Triều Tiên.
Đến nay, Washington một mực đòi Bình Nhưỡng phải có những "biện pháp cụ thể, tỏ thiện chí từ bỏ tham vọng hạt nhân". Chính quyền Trump xem đây là một "điều kiện tiên quyết" cho mọi kế hoạch đàm phán. Ngược lại, từ chối viếng thăm Bình Nhưỡng, thì Hàn Quốc tiếp tục đẩy hòa bình trên Triều Tiên ra xa hơn.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố với báo chí rằng, giữa Washignton và Seoul, "không hề có một vết rạn nứt nào" trên hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, nhưng đồng thời nhấn mạnh đến ưu tiên duy trì "áp lực tối đa" đối với Bình Nhưỡng để đạt tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chưa có phép lạ
Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ thuộc Đại học Busan, Robert Kelly, nhận định Olympic Pyeongchang lần này "làm lộ rõ rạn nứt giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In muốn tranh thủ thời cơ hòa hoãn, để thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ, nhằm khởi sự một cuộc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên. Nếu xảy ra, đây sẽ là "lần đầu tiên" lãnh đạo hai miền đối thoại trực tiếp, kể từ 10 năm nay, tức là từ khi phe bảo thủ lên nắm quyền.
"Đây là hành động mạnh mẽ nhất của Triều Tiên nhằm ly gián hơn nữa Hàn Quốc và Mỹ," Kim Sung-han, cựu Phó bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và hiện là giáo sư tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, nói với Reuters.
Chuyên gia Robert Kelly cũng đặt câu hỏi: liệu Kim Jong Un có còn hòa hoãn hay không sau Thế vận hội, khi mà Mỹ và Hàn quốc nối lại các cuộc thao diễn quân sự chung ở ngay sát cạnh cửa ngõ Triều Tiên? Đối với Triều Tiên, vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo là "một lá bùa hộ mệnh, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ". Do vậy, chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng được công nhân là một cường quốc hạt nhân.
Theo giáo sư Kim Byung Yeon, Đại học Quốc gia Seoul, thì không có phép lạ "để Bình Nhưỡng và Washignton thoát khỏi bế tắc hiện nay", vì Triều Tiên đòi hỏi quá nhiều, treo giá quá cao, mà Mỹ thì không sẵn sàng trả cái giá đó. Phó tổng thống Pence nói ông sẽ tìm cách chống lại nỗ lực của Triều Tiên sử dụng Thế vận hội để tuyên truyền và mời cha của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ qua đời năm ngoái sau khi bị bỏ tù ở Triều Tiên suốt 17 tháng, đến dự Thế vận hội ở Pyeongchang.