Thứ Tư | 09/01/2013 11:39

Bài học về cứu trợ doanh nghiệp thời khủng hoảng của Mỹ

Bằng cách đảm bảo rằng các chủ nợ, cùng những người gửi tiền, được thanh toán đầy đủ, Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về sự can thiệp của chính phủ trong tương lai. Chương trình giải quyết nợ xấu của Bộ Tài chính Mỹ (TARP) đã bộc lộ nhiều yếu điểm cùng như những bài học dành cho các nhà lập pháp Mỹ.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner đang kêu gọi kết thúc Chương trình giải quyết nợ xấu (TARP) trị giá 418 tỷ USD dành cho các ngân hàng, các hãng ô tô và nhiều doanh nghiệp khác trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính.

Thời kỳ "đen tối" đã qua ?

Trong thông báo sẽ bán số dứt điểm số cổ phần còn lại trong các doanh nghiệp như General Motor (GM), American International Group (AIG) cùng 218 ngân hàng nhỏ khác, Bộ Tài chính Mỹ về cơ bản muốn kết thúc gói cứu trợ gây tranh cãi, được sử dụng để giúp hệ thống tài chính khỏi sụp đổ bằng mọi giá với chi phí thấp trong những ngày đen tối nhất của năm 2018.

Hầu hết các ngân hàng đã hồi phục trở lại sau khi được hỗ trợ hàng tỷ USD tiền vốn. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng phát triển trở lại. Thậm chí AIG cũng rao bán các tài sản từng khiến hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ năm 2008. Số tiền thu về dự kiến sẽ dao động từ 24 tỷ USD đến 60 tỷ USD, tương đương gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ thời điểm trước khi nổ ra thảm họa tài chính.

Tuy nhiên, đằng sau sự thành công đó, TARP không thực sự hoàn hảo. Lý do là vì chương trình này quá hào phóng với các doanh nghiệp được cứu trợ, trong khi lại làm trầm trọng thêm vấn đề rủi ro đạo đức. Chẳng những thế, nó còn làm được quá ít nhằm cứu vãn sự tan chảy của thị trường nhà đất Mỹ, cội nguồn của khủng hoảng tài chính 2008.

Mục đích chính của TARP là ổn định hệ thống tài chính bằng cách bơm vốn vào hơn 700 ngân hàng và các công ty khác có khả năng tàn phá kinh tế Mỹ nếu sụp đổ. 19 ngân hàng lớn nhất bị buộc phải trải qua các bài kiểm tra căng thẳng và nâng vốn dự trữ để có thể chịu đựng được những thiệt hại nếu một cuộc suy thoái khác nổ ra. Đổi lại, chính phủ Mỹ nhận được cổ phiếu ưu đãi, khoản nợ hoặc chứng chỉ đảm bảo từ phía các doanh nghiệp này. Hầu hết trong số cứu trợ đã được mua lại hoặc hoàn trả cho Bộ Tài chính. Ước tính, bộ đã thu hồi được khoảng 375 tỷ USD trong tổng số 418 tỷ USD cứu trợ.

Tuy nhiên, thực tế số tiền trả về này có thể còn lớn hơn nữa. Khi triển khai TARP, các tổ chức và doanh nghiệp đều được áp dụng các điều khoản cứu trợ như nhau, bất kể tình trạng sức khỏe hoặc rủi ro từ đối tượng đóng thuế. Lý do cơ bản của việc làm này là nếu Bộ Tài chính xếp hạng 1 ngân hàng vào mức yếu, điều đó có thể gây ra đổ vỡ hàng loạt, song thị trường tài chính đều nắm rõ độ mạnh yếu của từng doanh nghiệp nhận cứu trợ.

Kết quả là, các tổ chức khỏe mạnh, bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan, hoàn trả 5% cổ tức hàng hàng năm đối số cổ phiếu ưu đãi mà Bộ Tài chính nắm giữ, và các tổ chức yếu cũng phải hoàn trả tỷ lệ cổ tức tương đương. Có thể nói, con số 5% là một tỷ lệ quá thấp, bởi tỷ phú đầu tư Warrent Buffett từng nhận cổ tức 10% từ Goldman Sachs khi ông đầu tư 5 tỷ USD vào ngân hàng trong thời khủng hoảng. Kết quả, chủ tịch Berkshire Hathaway đã thu về 3,7 tỷ USD lợi nhuận, Bloomberg cho biết. Trong khi đó, Bộ tài chính đầu tư 10 tỷ USD vào Goldman song chỉ thu về 1,1 tỷ USD.

Tiếp đó là câu hỏi về rủi ro đạo đức. Bằng cách đảm bảo rằng các chủ nợ, cùng những người gửi tiền, được thanh toán đầy đủ, Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về sự can thiệp của chính phủ trong tương lai.

Đạo luật tài chính Dodd-Frank được đưa ra với nỗ lực phá bỏ ấn tượng này bằng cách ngăn cấm các khoản cứu trợ từ tiền của người đóng thuế, đồng thời tạo ra 1 hệ thống giúp loại bỏ bỏ những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Tuy nhiên, phố Wall rõ ràng không tin vào điều này, bởi các ngân hàng thuộc nhóm "quá lớn để sụp đổ" (too big to fail) vẫn có thể vay vốn với giả rẻ hơn so với các ngân hàng nhỏ hơn. Các nhà kinh tế tại Cục dự trữ liên bang New York cũng cho biết các ngân hàng có thể nhận được các khoản vay ưu đãi nếu có được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Cuối cùng, TARP không thể vực dậy thị trường nhà đất Mỹ. 2 chương trình chính của chính phủ chỉ giúp được chưa đầy 3 triệu chủ nhà ở gặp khó khăn, 1 con số thấp hơn nhiều so với mục tiêu 9 triệu đã đề ra. Mặc dù thị trường nhà đất cuối cùng cũng đã phục hồi, song rõ ràng không phải nhờ TARP.

Vậy đâu là bài học có thể rút ra từ TARP?

Trên thực tế, TARP có thể giúp hạn chế một số sự hỗn loạn bởi đây là 1 kế hoạch ứng cứu khẩn cấp có tác dụng vào một thời điểm nhất định khi thị trường bị xáo trộn. Tuy nhiên, điểm yếu của nó cũng là những bài học quý báu cho các nhà lập pháp và quản lý, những người đang phải vật lộn với vấn đề rủi ro đạo đức và các "ngân hàng quá lớn để sụp đổ".

Bên cạnh đó, có một vài cách tiếp cận cần được lưu tâm, đó là: Yêu cầu các ngân hàng lớn nhất nắm nhiều vốn hơn, hạn chế sự độc quyền của các ngân hàng và hạn chế quy mô các khoản nợ phải trả không phải tiền gửi của họ, như các thỏa thuận mua lại qua đêm.

Các gói cứu trợ tương lai cũng nên cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho các chủ nhà ở, đồng thời tập trung làm giảm vốn thế chấp cũng như bớt để tâm vào việc giảm các khoản thành toán hàng tháng. Chỉ đến khi đó, ác cảm của công chúng với các kế hoạch giải cứu mới có thể giảm bớt.

(Theo Gafin.vn)