Hiệp ước Munnich vốn được ký kết vào cuối tháng 9.1938 giữa Đức, Anh, Pháp và Ý nhằm giao vùng Sudetenland của Tiệp Khắc cho Đức Quốc xã bất chấp cảnh báo của Prague rằng sự nhượng bộ này chỉ khiến Hitler “được voi đòi tiên”. Quả thực, chỉ một năm sau, Hitler đã xâm lược Ba Lan và Thế chiến thứ hai khai mào. Kể từ đó, “khoảnh khắc Munich” đã trở thành cụm từ để chỉ sự nhượng bộ ngoại giao vốn chỉ khiến kẻ được nhân nhượng ngày càng lấn tới.
Cái giá của nhượng bộ
Tháng 3.1938, các cường quốc phương Tây đã khoanh tay đứng nhìn Adolf Hitler xâm chiếm và thôn tính nước Áo. Sau khi trở về từ Vienna, Hitler nói với Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels: “Tiệp Khắc là nước kế tiếp”. Lấy cớ bảo vệ quyền lợi của người Đức ở Sudetenland, vùng đất thuộc Áo - Hung được giao cho Tiệp Khắc sau Thế chiến thứ nhất, Hitler lệnh cho quân đội chuẩn bị một cuộc xâm lược muộn nhất là vào ngày 1.10.1938. Thông tin này đã rò rỉ và làm dấy lên làn sóng hoang mang ở châu Âu.
Trong tình hình đó, vào mùa hè năm 1938, mọi sự chú ý đổ dồn vào Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, người trung thành với nguyên tắc “không có kẻ chiến thắng trong chiến tranh”. Vào tháng 9, Chamberlain quyết định gặp trực tiếp Hitler, với niềm tin rằng ông có thể xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin cậy. Cùng với nước Pháp, một đồng minh của Tiệp Khắc, Chamberlain thúc giục Prague từ bỏ Sudetenland. Song ông cảnh báo Hitler rằng Anh và Pháp sẽ đứng về phía Prague nếu Tiệp Khắc bị tấn công. Cả hai chia tay mà không đạt được thỏa thuận quyết định bởi Hitler khăng khăng phải tấn công Tiệp Khắc.
Với quyết tâm tránh chiến tranh bằng mọi giá, Chamberlain trở về nước và nhờ nhà lãnh đạo độc tài ở ÝBenito Mussolini thuyết phục Hitler chấp nhận một giải pháp hòa bình. Theo các sử gia, Chamberlain đã phạm phải một sai lầm đắt giá khi không nhận thấy sự bất hợp lý trong lập trường của Hitler: nếu y chỉ muốn có được Sudetenland thì tại sao cứ phải phát động chiến tranh trong lúc có thể được biếu không.
Ngày 29.9, Hitler tiếp Mussolini, Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier tại Munich để ký thỏa thuận. Theo đó, Tiệp Khắc sẽ giao Sudetenland cho nước Đức. Đổi lại, Hitler từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Cuộc họp giữa lãnh đạo bốn nước có vẻ như trở thành biểu tượng cho thiện chí thỏa hiệp và thúc đẩy hòa bình ở châu Âu.
Tuy nhiên, dưới góc độ chiến lược quân sự, thỏa thuận là một thảm họa. Không có Sudetenland, Tiệp Khắc mất đi hệ thống công sự vốn tạo nên một trong những phòng tuyến vững chắc nhất châu Âu. Ngoài ra, Sudetenland còn là một vùng công nghiệp phát triển có vai trò quan trọng để vận hành cỗ máy chiến tranh của nước Đức sau này. Bất chấp hiệp ước, vào sáng ngày 15.3.1939, xe tăng Đức đã tiến vào vùng Bohemia và Moravia ở Tiệp Khắc và 6 tháng sau, Đức tấn công Ba Lan.
Theo các sử gia, tình hình ở châu Âu lúc đó không đến nỗi bi đát. Bằng việc di chuyển quân sang phía đông để chuẩn bị tấn công Tiệp Khắc, Hitler đã để hở sườn ở phía tây cho nước Pháp. Ngoài ra, dự trữ xăng của Đức chỉ vừa vặn cho một chiến dịch kéo dài bốn tháng. Sau chiến tranh, các sĩ quan cao cấp của Đức cho rằng nếu không có Hiệp ước Munich, Hitler sẽ tấn công Tiệp Khắc vào ngày 1.10.1938 và dù có lưỡng lự, Pháp, Anh và có thể cả Liên Xô sẽ tham chiến. Đáng chú ý nhất là các tướng lĩnh Đức đều đồng ý rằng nước Đức sẽ nhanh chóng bại trận nếu tấn công Tiệp Khắc vào lúc đó.
Munich và biển Đông
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times ngày 5.2, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã kêu gọi thế giới hãy làm nhiều hơn nữa để hậu thuẫn nước ông chống lại các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, so sánh tình hình với sự thất bại của phương Tây khi ép Tiệp Khắc nhượng lãnh thổ trước đòi hỏi của Đức Quốc xã năm 1938.
“Đến lúc nào các ngài mới nói “Đủ rồi đấy?”. Thế giới phải nói điều đó, hãy nhớ Sudetenland từng được cống nạp để vỗ về Hitler nhằm ngăn chặn Thế chiến thứ hai”, ông Aquino phát biểu.
Việc ông Aquino nhắc đến Hiệp ước Munich năm 1938 trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times đã bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích là hàm ý so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã, gây ra một cơn bão ngoại giao giữa hai nước trong những ngày qua. Sau khi tờ The New York Times đăng bài phỏng vấn, Tân Hoa xã đã giận dữ lên án Tổng thống Aquino là chính trị gia “nghiệp dư” và “dốt nát” cả về lịch sử lẫn thực tế. Tuy nhiên, ông Aquino nhanh chóng phản pháo rằng phản ứng của Tân Hoa xã đã khẳng định giá trị quan điểm của ông. “Như người ta thường nói, nếu ai đó không thể trả lời vấn đề, thì anh ta chỉ còn cách chửi rủa”, ông Aquino phát biểu.
Trong khi đó, tờ The Atlantic cũng tán thành sự so sánh của ông Aquino. Tờ báo chỉ ra sự giống nhau về giá trị chiến lược giữa biển Đông và Sudetenland. Nếu Sudetenland là vùng công nghiệp nặng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chiến tranh của Đức thì biển Đông được cho là có tiềm năng lớn về dầu khí. Philippines có hiệp ước phòng thủ với Mỹ, tương tự như Tiệp Khắc có với Pháp. Chưa hết, giống như nước Đức trong thập niên 1930, Trung Quốc ngày nay đang chuyển hóa sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự. Theo tờ The New York Times, vào tháng 6.2012, sau khi nổ ra cuộc đối đầu tại bãi cạn Scarborough, Mỹ đã giúp dàn xếp một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines để rút tàu bè của cả hai ra khỏi khu vực một cách êm thắm. Tuy nhiên, tàu bè Trung Quốc không chịu rời đi và sau đó đã áp dụng các biện pháp ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn.
Sơn Duân