Ảnh: Nikkei Asian Review
Bài học đắt giá từ sự sụp đổ của mạng lưới cho vay ngang hàng tại Trung Quốc
Chỉ trong vòng 5 năm, hoạt động cho vay trực tuyến không qua ngân hàng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ “đứa con cưng” của nhà đầu tư cho đến một lĩnh vực bị thất sủng, đầy bê bối và sụp đổ.
Từ LendingClub ở Mỹ và Funding Circle ở Anh cho tới những công ty tương tự Dianrong, 51 Credit Card và Yirendai ở Trung Quốc, họ đều gây thất vọng cho những ai từng đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng của hoạt động cho vay ngang hàng (có cả tác giả bài viết này). Họ một là đang thua lỗ liên tiếp hoặc đang phải đấu tranh quyết liệt để tồn tại hoặc cả hai. Ở Trung Quốc, nhiều nhà sáng lập công ty cho vay ngang hàng (P2P) đã bị bỏ tù và lĩnh vực này đối mặt với lệnh cấm từ ngày càng nhiều chính quyền địa phương.
Làm thế nào mà mọi thứ tệ đến nhường này? Trong nhận thức muộn màng của nhà đầu tư, các nền tảng trực tuyến đã đánh giá quá cao khả năng phân biệt rõ ràng giữa người đi vay tốt và xấu của bản thân. Những lời đồn thổi về hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán này hóa ra chỉ là những lời nói rỗng tuếch, nói thẳng ra là vậy.
Dữ liệu về những người đi vay “dưới chuẩn” (subprime) – những người buộc phải chuyển hướng sang vay từ công ty P2P – không khó để tìm, từ các hoạt động trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử và từ những câu hỏi đi vay từ các tổ chức truyền thống. Thế nhưng, mặc dù khả năng trả nợ vay của một người đi vay có thể được đo lường tương đối dễ dàng, nhưng về khả năng sẵn lòng trả nợ của họ thì ngày càng khó để dự báo.
Về lý thuyết, những ngân hàng có thể sẵn sàng ấn định lãi suất khớp với mức rủi ro của mỗi người đi vay. Ấy vậy mà đây lại là vấn đề khiến phần lớn nền tảng cho vay P2P của Trung Quốc gặp rắc rối. Lãi suất cao hơn áp lên những người đi vay có rủi ro cao hơn thường đẩy con nợ vào tình trạng vỡ nợ.
Một trạm của nền tảng trực tuyến Lufax trong suốt buổi triển lãm ở Bắc Kinh vào tháng 8/2016. Nguồn: Nikkei Asian Review |
Những tổ chức cho vay trực tuyến lẽ ra phải có hiệu quả cao hơn vì đây là một tổ chức mới và có công nghệ cao. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc họ có đạt tới một quy mô nhất định hay không. Hầu như chẳng có tổ chức cho vay trực tuyến nào ở bất kỳ nơi đâu có thể làm được điều đó.
Một tiền đề khác của hoạt động cho vay P2P là bất kỳ khoản vay quá hạn nào sẽ không tác động nhiều vì các khoản vay trực tuyến tương đối nhỏ và người vay sẽ được trải ra về mặt địa lý, từ đó làm giảm rủi ro tập trung quá mức.
Nhưng thay vào đó, việc thu thập dữ liệu về những người đi vay tương đối đắt đỏ bởi vì quá trình tìm kiếm những người đi vay nhỏ (không đủ điều kiện để vay từ ngân hàng) rất tốn công và cần nhiều người. Một số nền tảng P2P của Trung Quốc đã sử dụng cách tiếp cận "tên và sự xấu hổ" để gây áp lực cho người vay phải trả nợ. Chiến thuật này phản tác dụng, với những người cho vay, không phải người vay, bị chỉ trích.
Là Phó Chủ tịch của YX Asset Recovery, tác giả bài viết nhận ra một điều: Khó mà bắt gặp một doanh nghiệp có khả năng trả nợ tại quốc gia này. Truyền thông cánh tả, những người đi vay chưa trả được nợ và gian lận khi vay nợ đã hợp nhất trong một chiến dịch chống lại những tổ chức cho vay với lợi suất cao và những tổ chức thu hồi nợ.
Xét tới bản chất của các khoản vay dưới chuẩn, trong đó tỷ lệ vỡ nợ cao trong ngắn hạn, việc áp lãi suất cao hơn sẽ hợp lý. Để một nền tảng hòa vốn đối với khoản cho vay 5.000 Nhân dân tệ kỳ hạn 3 tháng, sẽ cần tới mức lãi suất 12 tháng lên đến 100%.
Điều này có nghĩa người đi vay sẽ trả đến 1.250 Nhân dân tệ tiền lãi, cùng với việc trả vốn gốc tại cuối kỳ hạn 3 tháng.
Tuy nhiên, mức lãi này là quá cao đối với nhóm người tiêu dùng và các quan chức Chính phủ. Tòa án Nhân dân Tối cao trước đó đã áp mức trần lãi suất là 36%/năm – vốn bắt đầu được thực thi nghiêm ngặt trong khoảng thời gian gần đây. Đây là một tin đáng buồn với hầu hết các nền tảng có nguồn vốn cao như Qudian và Lufax – niêm yết ở New York.
Cùng lúc đó, phải thừa nhận rằng nhiều nền tảng P2P của Trung Quốc không khác gì với âm mưu Ponzi khét tiếng. Hầu hết những nền tảng Ponzi kiểu này rồi sẽ sụp đổ, đi cùng với đó là tiền mặt của nhà đầu tư và danh tiếng của cả ngành cho vay P2P.
Ngẫm nghĩ lại thì hoạt động cho vay P2P có thể chỉ là một mô hình kinh doanh không bền vững. Đây thường là một nhận thức đã muộn màng.
Tỷ lệ lỗ trên khoản vay cao và tỷ lệ nợ quá hạn thậm chí còn cao hơn khiến những nhà đầu tư – những người rót vốn vào các nền tảng P2P của Trung Quốc – không thể chịu đựng nổi. Để thu hút những người có vốn, hầu hết nền tảng đều âm thầm “hấp thụ” các khoản tổn thất khi cho vay với cái giá khá đắt, nhưng gần đây, chính quyền đã đưa ra các quy định cấm đoán những hành vi như thế này.
Chiến dịch pháp lý hiện nay sắp buộc các nền tảng P2P đang còn hoạt động chuyển đổi thành một tổ chức cho vay tín dụng vi mô được cấp phép trong vòng 2 năm. Bản thân hoạt động cho vay P2P sẽ biến mất.
Dù vậy, các nền tảng P2P xứng đáng nhiều hơn những gì họ được đánh giá, vì đây được xem là một chất xúc tác to lớn để Trung Quốc thay đổi.
Các ngân hàng Trung Quốc muốn tăng cường các dịch vụ trực tuyến nhằm cạnh tranh với những công ty công nghệ tài chính (fintech) mới nổi. Thẻ tín dụng ảo vẫn còn được nhiều người sử dụng ngay cả khi các thẻ tín dụng truyền thống được làm ra để đáp ứng nhu cầu từ hoạt động vay tiêu dùng. Ngân hàng dường như choàng tỉnh trước tầm quan trọng của hoạt động cho vay tiêu dùng ngay khi hoạt động cho vay doanh nghiệp giảm tốc và nợ xấu từ những khoản vay này gia tăng.
Câu chuyện cho vay P2P cũng để lại cho hàng trăm triệu người đi vay cũng như người tiết kiệm những bài học đáng giá về tài chính, đầu tư và tự bảo vệ bản thân. Kể từ năm 2018, không có một ngày nào mà lại không có thông tin về một tổ chức cho vay trực tuyến áp lãi suất quá cao đối với những người đi vay, câu chuyện về cảnh sát bắt giữ đại diện thu hồi nợ vì những hành vi sai trái trong quá trình thu hồi nợ hoặc câu chuyện về một người đi vay vô vọng tìm tới sự trợ giúp của gia đình nghèo khó của cậu ta.
Thú vị thay, nhiều nhà khai thác fintech của Trung Quốc hiện đang “xuất khẩu” chuyên môn và thủ thuật của họ sang Đông Nam Á và các nước đang phát triển khác.
Tóm lại, mặc dù có nhiều hành vi thao túng và không trung thực của nhiều công ty, cuộc cách mạng fintech đóng vai trò tích cực đối với Trung Quốc. Khi mọi thứ dần lắng xuống trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy rằng những tổ chức cho vay đã trở nên khiêm tốn hơn và công chúng cũng hiểu biết nhiều hơn. Điều này cuối cùng có thể chuyển thành các khoản tín dụng rẻ hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó sẽ xóa nhòa cho những khó khăn hiện tại của lĩnh vực fintech.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Joe Zhang, Phó Chủ tịch của công ty thu hồi nợ xấu YX Asset Recovery.
Nguồn Nikkei Asian Review