CNBC
Bắc Kinh tiến đến Bắc Cực
Khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, làm tan băng ở vùng Bắc Cực, cho phép tạo ra những tuyến đường hàng hải mới và nhất là mở ra triển vọng khai thác các trữ lượng dầu khí, sắt, kẽm... Vì thế, đây được coi là thay đổi địa lý quan trọng nhất kể từ khi kỷ nguyên băng hà kết thúc.
Khi những núi băng tưởng chừng vĩnh cửu tan ra, để lộ rất nhiều khoáng sản đã thu hút mọi tham vọng của các nước gần khu vực lạnh giá này. Các nước bao quanh Bắc Cực như Nga, Mỹ (nhờ vùng với Alaska), Canada, Đan Mạch (với Greenland), Iceland và Na Uy đều đã tìm cách khai thác và mở rộng khu vực kiểm soát.
Nhưng tất cả đã bị một nước ngoài khu vực qua mặt: Trung Quốc.
Trump vẽ đường cho Trung Quốc tới Bắc Cực
Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng khống chế Bắc Cực nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Thế nhưng, ngày 9 tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho Trung Quốc đầu tư 43 tỷ USD vào bang Alaska để khai thác, hóa lỏng và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào vùng Bắc Cực từ trước đến nay.
Các nước có quyền lợi tại Bắc Cực |
Trước hợp đồng này, Giáo sư Mikaa Mered, chuyên nghiên cứu Nam Cực và Bắc Cực tại Đại học Khoa học Ứng dụng Lapland ở Phần Lan, cho rằng hệ quả của thỏa thuận Mỹ-Trung trên đây rất rõ: "Trung Quốc đã trở thành ông chủ của Bắc Cực".
Bởi vì, với hợp đồng này, Trung Quốc có trong tay gần trọn các dự án quanh Bắc Cực: đã có phần trong các dự án ở Canada, đồng thời đã đầu tư vào hai dự án khí đốt lớn ở Nga, sưởi ấm quan hệ với Na Uy, có một thỏa thuận thương mại tự do với Iceland và đã nắm trong tay gần như tất cả các dự án khai thác mỏ lớn ở Greenland.
Từ khi giá dầu sụt giảm, bang Alaska đã bị lâm vào khó khăn kinh tế và tài chính và dự án Alaska LNG ký với Trung Quốc được coi là mang tính chất sống còn.
Theo tính toán của chính quyền Trump, hợp đồng này sẽ là 12.000 việc làm và giảm được 10 tỷ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc (lên đến 350 tỷ USD vào năm ngoái).
Trung Quốc đổ tiền vào Bắc Cực làm gì?
"Khi nhìn thấy một tàu phá băng tiến hành nghiên cứu khoa học, tôi không cảm thấy có gì đáng ngại. Nhưng nếu như tôi trông thấy một giàn khoan di động hiện diện ở Bắc Cực, tôi sẽ nghĩ rằng mình đã gặp phải vấn đề rồi", Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ, Đô đốc Paul Zukunft, cho biết nước này quan ngại trước việc Trung Quốc mở rộng đội tàu phá băng có khả năng xuyên qua khu vực Bắc Cực.
Tàu phá băng của Trung Quốc hoạt động tại Bắc Cực. |
Đối với Trung Quốc, rõ ràng đổ núi tiền vào Bắc Cực tất nhiên là với ưu tiên hàg đầu là đảm bảo nguồn năng lượng để duy trì sự tăng trưởng trong nhiều thập niên.
Dưới đáy biển ở Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, khoảng 1/3 lượng khí đốt và nguồn khoáng sản có giá trị hàng nghìn tỉ USD.
Theo Mark Rosen, chuyên gia về Bắc Cực ở CNA, một cơ quan nghiên cứu thân cận với bộ Quốc Phòng Mỹ: "Bắc Cực trước tiên hết là nguồn cung cấp các nguyên liệu mà ngành công nghiệp Trung Quốc rất cần. Thay vì đi mua, Bắc Kinh đã quyết định làm chủ các mỏ để nắm quyền kiểm soát sản lượng và giá cả".
Theo thỏa thuận, một đại tập đoàn (consortium) bao gồm 3 tập đoàn Trung Quốc sẽ tiếp quản dự án này (mặc dù Alaska sẽ vẫn nắm đa số). Đó là tập đoàn hóa dầu Sinopec, quỹ đầu tư nhà nước CIC, và Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc. Bắc Kinh dự định nhập khẩu 75% khí đốt sẽ được khai thác.
“Chiến lược của Bắc Kinh không chỉ dừng ở một vành đai và con đường”, South China Morning Post dẫn lời Li Xiguang, Giáo sư trường Đại học Thanh Hoa. Với Bắc Cực, Trung Quốc còn có tham vọng vẽ nên “một vòng tròn”. "Vùng Bắc Cực giàu vàng và nhiều tài nguyên khoáng sản khác chưa được khai thác. Vì vậy, khu vực này có thể nằm trong chiến lược của Trung Quốc ", Li nói, mặc dù thừa nhận thuật ngữ “một vòng tròn” không xuất hiện trong bất kỳ tài liệu chính thức nào.