Thứ Tư | 27/03/2013 08:52

Ba Lan tổ chức trưng cầu dân ý gia nhập eurozone

Cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập eurozone được chính phủ Ba Lan tổ chức trong bối cảnh phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội của người dân.
Theo tờ Financial Times, việc tổ chức trưng cầu dân ý hôm qua 26/3 được coi là một canh bạc chính trị lớn đối với thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, đặc biệt khi ý tưởng gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân và các đảng đối lập trong quốc hội.

Động thái này của chính phủ Ba Lan là một phần trong chiến dịch chuẩn bị những bước cuối cùng giúp đất nước gia nhập eurozone vào năm 2015. Trước đó, thủ tướng Tusk kiên quyết phản đối thực hiện một cuộc bỏ phiếu công khai cho người dân về vấn đề này, đồng thời lập luận rằng người Ba Lan đã bị ràng buộc với eurozone khi họ chấp nhận tham gia vào Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2003.

Tuy nhiên, để có thể giúp Ba Lan gia nhập eurozone, thủ tướng Tusk buộc phải chấp nhận khả năng phải tiến hành trưng cầu dân ý theo yêu cầu của đảng cánh hữu đối lập, để đổi lấy một thỏa thuận thông qua các thay đổi hiến pháp cần thiết, dọn đường cho quá trình gia nhập.

Vì sao Ba Lan phải thay đổi hiến pháp nếu muốn gia nhập eurozone? Hiến pháp Ba Lan quy định rõ Ngân hàng quốc gia Ba Lan - hay chính là ngân hàng trung ương - là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm phát hành tiền tệ tại đất nước. Nếu muốn gia nhập eurozone, quy định này rõ ràng cần phải được thay đổi. Nếu không có sự ủng hộ của 2 đảng cánh hữu đối lập, thủ tướng Tusk sẽ không có đủ 2/3 số phiếu ủng hộ của quốc hội để thông qua sửa đổi.

Trong khi đó, cuộc khảo sát mới đây cho thấy, có tới 62% người Ba Lan phản đối tham gia eurozone, chủ yếu do những lo ngại về cuộc khủng hoảng đang hoành hành trong khu vực. Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự hoài nghi của người Ba Lan về tương lai eurozone cũng tăng lên đáng kể sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ châu Âu nổ ra.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện