Thứ Năm | 07/11/2013 17:29

Ba cánh cửa của ECB

ECB đang gặp thách thức với cả ba cánh cửa đối với ngân hàng, chính phủ và người dân tại các nước eurozone
Sau một thời gian dài, cơn bão tài chính đã dần lắng lại. Lần đầu tiên kể từ năm 2007, những người điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trải qua một năm yên ắng, dường như không có thảm họa nào cần xử lý khẩn cấp. Nhưng vài tuần gần đây, thách thức đến với chủ tịch Mario Draghi và ECB khi hàng loạt số liệu mới của Eurostat và các dự báo kém lạc quan của Liên minh châu Âu (EU) lần lượt được phát hành.

Cho đến ngày hôm nay 7/11, mọi nhà quan sát trên thị trường đều dõi theo cuộc họp của Hội đồng chính sách ECB. Các chuyên gia nhận thấy rằng, trong số 3 cánh cửa của ECB, có 1 cánh chưa được mở còn 2 cánh đã mở thì lại chưa mang lại hiệu quả.

Trước hết, cánh cửa đã mở ra đối với các chính phủ trong khuôn khổ 17 nước thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Chủ tịch Mario Draghi đã thành công trong mục tiêu giúp đỡ các nước thành viên giảm bớt áp lực nợ công. Đi cùng tuyên bố sẽ làm mọi cách có thể để cứu đồng euro, chủ tịch ECB đã cam kết chương trình mua trái phiếu chính phủ không giới hạn trong phạm vi eurozone. Dù có vài lần, những thông tin nhiều từ phía Đức đã khiến cho ECB không khỏi phân trần về mục tiêu đã kiên định của mình, một lần nữa ECB khẳng định không có giới hạn nào cho chương trình trên của ECB. Không khó nhận ra mặt trái của chương trình hỗ trợ này.

Nhìn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp tại Hy Lạp vẫn còn là nỗi ám ảnh, mở rộng hơn, tại các nước tại Nam Âu có gặp rủi ro có thể vấp phải khả năng không thể hoàn trả số nợ đã vay trong tương lai. Dĩ nhiên, bộ ba chủ nợ Troika (EU, ECB, IMF) luôn tạo ra 1 chiếc "van tự động" bằng những tiêu chuẩn và cam kết giới hạn thâm hụt ngân sách cũng như số tiền cứu trợ. Dẫu vậy, người ta cũng không thể phủ nhận rằng, cánh cửa thì đã được mở, nhưng liệu rằng các nước có còn dám bước vào khi hậu quả từ bài học khủng hoảng của hàng loạt các nước Nam Âu vẫn đang hiển hiện?

Mặt khác, cánh cửa khác cũng được ECB mở ra đối với các ngân hàng. Cách đây 2 năm, ECB cho các ngân hàng vay trong 3 năm, cũng với giá trị không giới hạn với mức lãi suất rất thấp (khoảng 1%). Nhiều ngân hàng đã hoàn trả sớm những khoản vay chưa đáo hạn, nhưng mặt khác lại xuất hiện một số ngân hàng bắt đầu trở nên phụ thuộc. Ở ECB, người ta còn thường nghe đến "tai nạn thanh khoản", một thuật ngữ mới xuất hiện trong bài phát biểu tháng trước của Mario Draghi, người vốn đã sở hữu kho từ ngữ vô cùng phong phú. Vấn đề nghiêm trọng hơn khi quá trình đánh giá lại chất lượng tài sản (AQR) được bắt đầu.

Một bài kiểm tra khác quy mô hơn nhiều, "street test" không chỉ là nỗi lo đối với khả năng chịu đựng của các ngân hàng, mà còn là ám ảnh đối với chính ECB: một ngân hàng đã phá sản ngay sau khi vượt qua bài kiểm tra của ECB.

Stats-Gafin

Cánh cửa thứ 3 dường như đang khép dần đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Mối hiểm họa từ "giảm phát" không phải là lần đầu tiên ECB được nghe đến, nhưng eurozone không tránh khỏi giật mình khi số liệu lạm phát tháng 10 giảm xuống chỉ còn 0,7%, quá thấp so với mục tiêu 2% của ECB.

Lạm phát thấp và đồng euro mạnh lên có thể mang cơ hội giảm giá nhập khẩu cho khu vực sản xuất nhưng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh không được mở rộng rõ nét, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp lên cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời, lượng người thất nghiệp đã vượt trên 20 triệu và áp lực giảm lương đang ngày càng tăng mạnh. Tín dụng dành cho kinh doanh tiếp tục giảm.

Nhưng trên hết, người ta đang đặt dấu hỏi về hiệu quả của chính sách hạ lãi suất thấp kỷ lục của ECB, bởi lạm phát không những không tăng mà còn đang có xu hướng tiến dần về mốc 0%. Vượt qua mốc này, eurozone sẽ phải thực sự nghiêm túc về những lời đồn về "thập kỉ mất mát" tương tự như những gì đã trải qua với Nhật Bản.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện