Thứ Ba | 13/05/2014 20:10

Ba cách lý giải việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông

Việc Trung Quốc hạ đặt Hải Dương 981 là bất ngờ, mang tính gây hấn và bất hợp pháp, GS. Carl Thayer nhìn nhận.
GS. Carl Thayer là một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales nhìn nhận trên tờ The Diplomat. Bài viết của ông cũng đưa ra ba cách lý giải về việc Bắc Kinh đưa giàn khoan này vào vùng biển của Việt Nam.

Hành động bất ngờ

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác mà không được sự cho phép của quốc gia đó.

Theo Carl Thayer, hành động này là bất ngờ bởi trước đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có chiều hướng tiến triển tốt đẹp kể từ sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 10/2013.

Vào thời điểm đó, cả hai bên đều cho thấy sự nhất trí sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về vấn đề biển. Ngoài ra, động thái của Trung Quốc còn bất ngờ bởi Việt Nam không hề có hành động nào trước đó để Trung Quốc có thể lấy đó làm cớ bất ngờ “ra tay” như vậy.

Hành động của Trung Quốc mang tính chất gây hấn bởi giàn khoan Hải Dương 981 được hộ tống bởi một đội gồm 80 tàu, bao gồm 7 chiến hạm của hải quân nước này. Khi Việt Nam cử tàu bảo vệ bờ biển tới để bảo vệ quyền chủ quyền của mình tại hiện trường, Trung Quốc phản ứng bằng cách dùng vòi rồng và cố tình va chạm với tàu Việt Nam. Những việc làm như vậy rất nguy hiểm và đã khiến một số thủy thủ của Việt Nam bị thương.

Bài báo viết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ đưa ra một tuyên bố chung chung, thiếu chi tiết về lập luận pháp lý để bảo vệ cho hành động của nước này. Việc bà Hoa Xuân Oánh nói giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong lãnh hải của Trung Quốc là không có bất kỳ cơ sở nào, vì không có thực thể lãnh thổ nào của Trung Quốc trong vòng 12 hải lý kể từ lô 143 để làm căn cứ cho tuyên bố này.

Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc đã khiến các chuyên gia học thuật và các nhà phân tích về khu vực “đoán già đoán non” về căn cứ pháp lý mà Trung Quốc sử dụng cho tuyên bố chủ quyền tại khu vực hạ đặt Hải Dương 981. Năm 1996, Trung Quốc đưa ra đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bao gồm đảo Tri Tôn. Các chuyên gia bình luận, tuyên bố của Trung Quốc có thể được dựa trên sự lân cận của đảo Tri Tôn. Tuy nhiên, đường cơ sở 1996 mà Trung Quốc đưa ra là không phù hợp với điều 8 của Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và không thể được sử dụng để làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền đối với lô 143.

Theo Carl Thayer, cho dù đường cơ sở 1996 của Trung Quốc được chấp nhận đi nữa, thì vùng đặc quyền kinh tế trên lý thuyết của Trung Quốc sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế do Việt Nam tuyên bố. Điều này sẽ cấu thành tranh chấp pháp lý. Trong trường hợp đó, luật pháp quốc tế đòi hỏi hai bên có sự dàn xếp tạm thời, kiềm chế sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, và không có hành động đảo lộn nguyên trạng.

Dưới bất kỳ góc độ nào, rõ ràng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và đưa 80 tàu hộ tống vào lô 143 là vi phạm luật pháp quốc tế.
Ba cách lý giải
Theo Carl Thayer, các nhà phân tích quốc tế cũng đã đưa ra những nhận định khác nhau về động cơ và mục tiêu của hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong đó, có ba luồng quan điểm chính.

Luồng quan điểm thứ nhất xem việc hạ đặt Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam là phản ứng của Trung Quốc trước việc Việt Nam công bố Luật Biển vào giữa năm 2012. Trước khi Quốc hội Việt Nam thông qua luật này, Trung Quốc đã gây áp lực ngoại giao để luật này không được thông qua, nhưng không thành công. Ngay sau khi Luật Biển của Việt Nam được thông qua, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu các lô trên biển Đông chồng lấn với các lô của Việt Nam bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo cách lý giải này, tình thế hiện nay là kết quả của việc CNOOC quyết tâm theo đuổi và bắt đầu việc thăm dò dầu khí ở khu vực này. Theo quan điểm của CNOOC, lô 143 nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc. Theo quan điểm của Trung Quốc, các hoạt động thăm dò dầu khí thương mại sẽ làm suy yếu các tuyên bố về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Cách lý giải thứ nhất này không thực sự thuyết phục, xét tới kích thước khổng lồ của Hải Dương 981 và đội 80 tàu thuyền hộ tống giàn khoan này. Đây rõ ràng không phải là một hoạt động thương mại thông thường, mà là một động thái phủ đầu nhằm ngăn không cho Việt Nam bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Bài viết cho biết, các quan chức CNOOC đã tiết lộ, họ được ra lệnh hạ đặt Hải Dương 981 ở lô 143 bất chấp những nghi ngại của họ trên phương diện thương mại. Các nhà quan sát khác cũng chỉ ra rằng, triển vọng tìm kiếm dự trữ dầu khí thương mại ở lô này là khá thấp.

Cách lý giải thứ hai cho rằng, hành động của Trung Quốc là nhằm đáp trả hoạt động của hãng dầu lửa Mỹ Exxon Mobil ở các lô gần đó.

Cách lý giải này xem ra cũng không hợp lý. Exxon Mobil đã hoạt động ở lô 119 từ năm 2011. Mặc dù phản đối việc Exxon Mobil được trao hợp đồng thăm dò dầu khí ở lô này, Trung Quốc không đẩy mạnh việc phản đối trong mấy tháng gần đây. Cũng không rõ liệu việc Bắc Kinh hạ đặt Hải Dương 981 ở lô 143 có thể ngăn không cho Exxon Mobile tiếp tục hoạt động ở lô 119 hay không.

Hơn nữa, hành động của Trung Quốc có vẻ rất dễ phản tác dụng. Lô 143 không ảnh hưởng trực tiếp tới các lợi ích của Mỹ. Việc Trung Quốc can thiệp vào Exxon Mobil sẽ là một thách thức trực tiếp với tuyên bố của chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng, các lợi ích quốc gia của nước Mỹ bao gồm "thương mại hợp pháp không bị cản trở".

Và, cách lý giải thứ ba lập luận rằng, hành động của Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ trước nhằm phản ứng chuyến thăm của Tổng thống Obama tới các nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines mới đây. Trong chuyến thăm này, ông Obama công khai phản đối việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng đe dọa và áp đặt.

Trung Quốc đã nổi giận trước những lời chỉ trích trước đó của chính quyền Obama đối với tuyên bố “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên biển Đông cũng như sự ủng hộ của Mỹ đối với quyết định của Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bực bội trước tuyên bố công khai của Tổng thống Obama về ủng hộ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, cũng như tuyên bố của ông Obama nói rằng, cam kết liên minh giữa Mỹ và Philippines “được bọc sắt”. Tất cả những tuyên bố này đều được ông Obama đưa ra trong chuyến công du châu Á vừa rồi.

Tóm lại, cách lý giải thứ ba cho rằng, Trung Quốc đã chọn cách đối đầu trực tiếp với những tiền đề cho chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama về phía châu Á. Trung Quốc chọn cách nhằm phơi bày khoảng cách giữa những gì ông Obama nói và khả năng đáp trả của Washington đối với sự hung hăng của Bắc Kinh trong các tuyên bố chủ quyền.

Một số nhà phân tích ủng hộ cách lý giải thứ ba lập luận rằng, Trung Quốc đã “thuộc lòng” việc Mỹ không thể phản ứng hiệu quả trước các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine. Bởi thế, Trung Quốc đã tạo ra cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 để chứng tỏ với các nước trong khu vực rằng, nước Mỹ chỉ là một “con hổ giấy”.
Khi Trung Quốc gây hấn

Theo Carl Thayer, trong ba cách lý giải nói trên, cách lý giải thứ ba xem ra thuyết phục hơn cả. Tuy nhiên, cách lý giải này đặt ra câu hỏi là tại sao Việt Nam lại trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng? Ngoài ra, hành động của Trung Quốc có thể “phản đòn” bởi nó diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Myanmar.

Hôm 18/3 vừa qua, Trung Quốc và ASEAN vẫn còn tổ chức cuộc họp nhóm công tác chung thứ 10 về thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) tại Singapore. Tiếp đó, vào ngày 21/4, cuộc họp cấp cao lần thứ 7 giữa ASEAN và Trung Quốc về thực hiện DOC diễn ra ở Pattaya, Thái Lan. Tiến trình này còn diễn ra với tốc độ chậm chạp, nhưng khi đó đã có một số dấu hiệu tích cực về xây dựng niềm tin.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc bất ngờ triển khai Hải Dương 981 và đội tàu hộ tống giàn khoan này đã đưa biển Đông trở thành vấn đề nóng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa qua. Các ngoại trưởng trong khối hôm 10/5 đã ra một tuyên bố chung bày tỏ “lo ngại sâu sắc về những diễn biến làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông”.

Ra một tuyên bố riêng về biển Đông là một việc rất quan trọng. Tuyên bố này ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam và tạo nền tảng cho các tuyên bố tương tự từ các nhà lãnh đạo trong khối ASEAN.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng công khai ủng hộ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố xem hành động của Trung Quốc là “gây hấn”. Quan trọng hơn, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Danny Russels mới có chuyến thăm đã được lên lịch trước tới Việt Nam. Với chuyến thăm này, ông Russels sẽ có đánh giá trực tiếp về tình hình để giúp định hình phản ứng của chính quyền Obama.

Tác giả bài viết đánh giá, hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng những mối lo ngại của Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia, khiến các nước này tìm cách tăng cường năng lực hải quân, đồng thời tìm kiếm sự đảm bảo hỗ trợ từ Mỹ và các cường quốc về hải quân như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện