Thứ Tư | 27/06/2012 19:02

Australia đối mặt với mối họa từ nền kinh tế 2 tốc độ

Tăng trưởng của các ngành liên quan đến khai thác mỏ giúp Australia tránh được khủng hoảng nhưng lại áp đảo các ngành khác, đẩy Australia vào thách thức lớn.
Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết rằng Australia, một quốc gia chỉ có khoảng 23 triệu dân, lại là một trong những thị trường lớn nhất của General Electric, thậm chí lớn hơn cả Trung Quốc, Steve Sargent, người đứng đầu các cơ sở hoạt động của tập đoàn công nghiệp Mỹ này tại Australia, cho biết.

Cơn bùng nổ khai thác tài nguyên tại đây đã cho phép GE bán động cơ, đầu máy và công nghệ phục vụ cho các dự án năng lượng và khai thác mỏ trên khắp đất nước này. Nguyên nhân bắt nguồn từ cơn sốt tăng trưởng kinh tế của châu Á. “Nếu các nước châu Á là động cơ tăng trưởng của kinh tế thế giới thì Australia giàu khoáng sản là nơi cung cấp nhiên liệu để động cơ đó vận hành”, Sargent nhận xét.

Bằng cách gắn chặt với nhu cầu của châu Á, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc, Australia, nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới, đã tăng trưởng phi thường. Không những tránh được cuộc khủng hoảng đã đẩy nhiều nước phát triển rơi vào suy thoái, quốc gia này đang bước vào năm thứ 21 tăng trưởng liên tiếp với xếp hạng tín nhiệm AAA, trong khi tỉ lệ thất nghiệp chỉ hơn 5%. Và không giống như các nước châu Âu, Australia lại có một hệ thống ngân hàng cực kỳ khỏe mạnh.

Dường như cuộc sống đã quá viên mãn đối với quốc gia này, nhưng mọi thứ không đơn giản như thế.

Căn bệnh Hà Lan

Khi mọi chuyện đang quá tốt đẹp, chính phủ lẫn doanh nghiệp sẽ không muốn đưa ra những quyết định khó khăn để cải thiện năng suất, vốn chỉ ở mức 0,4%/năm trong giai đoạn 2006-2011. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng năng suất cần phải đạt khoảng 1,5%/năm.

Quan trọng hơn là ngành khai thác mỏ đã bóp nghẹt tăng trưởng của các lĩnh vực khác. Cơn bùng nổ tài nguyên đã đẩy tỉ giá hối đoái lên mức cao khiến các nhà sản xuất Australia không thể nào cạnh tranh nổi ở thị trường nước ngoài. “Khi đồng đô-la Australia tương đương hoặc cao hơn các đồng tiền mạnh khác như USD, các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sẽ rất khó để cạnh tranh”, Jo Kellock, Tổng Giám đốc Hội đồng các ngành Dệt và Thời trang Australia, cho biết.

Ngành du lịch, bán lẻ và giáo dục, vốn là các lĩnh vực mang lại việc làm cho hơn 3 triệu người, cũng đang rất chật vật. Hiện tại, cả khách du lịch nước ngoài lẫn những người muốn du học đều thấy Australia đã trở thành một nơi cực kỳ đắt đỏ. Trong khi đó, lương bổng trong lĩnh vực khai thác mỏ đã tăng kỷ lục khiến cho các ngành khác khó có thể thu hút được lao động. Ngành khai thác mỏ đã có thêm gần 60.000 việc làm trong năm vừa qua, nhưng ngành bán lẻ và sản xuất lại mất khoảng 50.000 việc làm.

Thực tế này khiến cho nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu các ngành khác của nền kinh tế Australia có phải đang bị “căn bệnh Hà Lan”. Đây là một nguy cơ kinh tế xảy ra khi việc đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên khiến các ngành khác, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo, bị suy giảm.

Mối lo ngại này đã thực sự hiện hữu. Khi tiền cứ liên tục đổ vào các dự án khí đốt và khai thác mỏ, Bộ Tài chính ước tính các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên sẽ tăng trưởng với mức trung bình 9%/năm trong 2 năm tới. Ngược lại, các ngành không liên quan đến tài nguyên sẽ tăng chỉ 2% trong cùng thời kỳ.

Sự lệch pha này sẽ khiến cho Australia khó có thể nâng cao được vị thế cạnh tranh toàn cầu. “Thách thức lớn nhất của Australia là về mặt tâm lý chứ không hẳn là về kinh tế. Australia phải nhìn rõ mình là một phần của khu vực hơn là một vùng đất tách biệt và tự xem mình là may mắn”, Paul Keating, nguyên Thủ tướng Australia, nhận xét.

Cái giá của sự lệ thuộc

Australia cũng không thể trông cậy mãi vào nhu cầu của châu Á. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng mối dây liên kết với châu Á ban đầu có thể là phúc của Australia, nhưng nó cũng có thể là họa vì 2 đầu tàu tăng trưởng kinh tế châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đang bắt đầu chạy chậm lại. Và như vậy, con đường phía trước sẽ rất gồ ghề với Australia.

Một báo cáo gần đây do Hội đồng Khoáng sản Australia thực hiện cho thấy các dự án quặng sắt được triển khai tại Australia đã đắt hơn tới 75% so với các dự án tại Tây Phi. Điều này đang đe dọa tính hiệu quả của các dự án như mỏ Mount Pleasant của hãng Rio Tinto.

Ngoài những dấu hiệu bất ổn của ngành khai thác mỏ, Australia còn đối mặt với nhiều vấn đề khác. Trước hết là bong bóng giá bất động sản. Australia là một trong những nước có tỉ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới, nhưng cũng là nước có giá bất động sản vào hàng cao nhất thế giới. Thứ hai là trong 2 thập kỷ qua, người Australia đang tiêu xài nhiều hơn mức thu nhập. Hiện tại, tỉ lệ nợ/thu nhập khả dụng đã vượt 160% và bây giờ họ đang nai lưng ra trả nợ.

Theo nhà báo chính trị George Megalogenis, Australia phải giải quyết những vấn đề nảy sinh từ nền kinh tế 2 tốc độ và phải xem trọng các ngành kinh tế khác. “Tập trung phát triển ngành khai thác mỏ có nghĩa là tước đi cơ hội để các ngành còn lại được trở thành một nhân tố tích cực của quá trình hội nhập”, ông nói.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện