ASEAN trong chiến lược của Nhật Bản
Dù với lý do nào đi chăng nữa, sự kiện nhà lãnh đạo nền kinh tế thứ 3 thế giới thực hiện chuyến công du 4 ngày (từ ngày 16 đến 19-1) tới ASEAN ngay sau khi nhậm chức cho thấy, khu vực này có vị trí địa - chiến lược cũng như kinh tế - chính trị quan trọng thế nào trong chính sách ngoại giao của chính phủ mới của Nhật Bản.
Trong bối cảnh Mỹ cũng như một loạt cường quốc kinh tế thế giới không ngừng đẩy mạnh chính sách ngoại giao "hướng đến châu Á" - đặc biệt là khu vực ASEAN với một Cộng đồng thống nhất trong đa dạng đang tiến tới dấu mốc định hình lịch sử vào năm 2015 - sự kiện thủ tướng S.Abe chọn 3 nước có tầm quan trọng hàng đầu trong Hiệp hội để mở chuyến công du đầu tiên cũng là điều dễ hiểu. Theo lịch trình, thủ tướng S.Abe dự kiến tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Nhật Bản - ASEAN tại thủ đô Jakarta (Indonesia) vào ngày 18/1.
Trải qua 4 thập kỷ hợp tác, quan hệ Nhật Bản - ASEAN nổi bật như một mẫu mực quan hệ đa phương trong khu vực đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Không chỉ là điểm đến đầu tư đầy sức cạnh tranh, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang dần coi ASEAN là địa bàn sản xuất luân phiên quan trọng để cân bằng trước các rủi ro có thể ở Trung Quốc sau những tranh cãi về lãnh hải trên biển Hoa Đông thời gian qua.
Với nhiều lợi thế so sánh cạnh tranh, một Đông Nam Á đang phát triển với khoảng 600 triệu dân được xem là mảnh đất "màu mỡ" cho các nhà xuất khẩu xe hơi, đồ điện tử và dịch vụ của Nhật Bản khi nhu cầu tiêu dùng của người dân trong khu vực ngày càng tăng.
Là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du 4 ngày của thủ tướng S.Abe, Việt Nam hiển nhiên có vị trí đặc biệt trong chính sách ngoại giao hiện đại của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Các số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2012 Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam với vốn đăng ký đạt 5,13 tỷ USD, chiếm tới 39,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm.
Tính lũy kế đến tháng 12 năm ngoái, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 213,6 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 13,6% tổng vốn đăng ký. Đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam 2 ngày vào 16 và 17/1 này, thủ tướng S.Abe sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố khai mạc Năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Lịch trình chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới của thủ tướng S.Abe thay đổi không gây bất ngờ lớn nhưng đủ khiến dư luận một lần nữa quan tâm đến chính sách đối ngoại của tân thủ tướng Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á.
Quyết định này cũng không quá khó hiểu, bởi thủ tướng S.Abe vốn nổi tiếng là người quan tâm đến các nước đang phát triển tại châu Á để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhận định này có cơ sở, bởi chỉ một tuần sau khi nhậm chức, thủ tướng S.Abe đã cử phó thủ tướng Taro Aso đến Myanmar để củng cố quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này.
Trong bối cảnh như vậy, chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị thủ tướng Nhật Bản của ông S.Abe không chỉ dừng lại ở tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN mà cả trên phương diện chính trị - ngoại giao. Dù không được đề cập nhưng bảo vệ chủ quyền lãnh hải cũng như bảo đảm an ninh hàng hải trên biển trong bối cảnh hiện nay dự kiến sẽ là chủ đề được các nhà lãnh đạo ASEAN và thủ tướng Shinzo Abe quan tâm.
Khẳng định tăng cường hợp tác với ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là rất quan trọng, chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu trước thềm chuyến thăm nhấn mạnh: Để khôi phục kinh tế Nhật Bản, thủ tướng S.Abe sẽ tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với các nước phát triển nhanh này, góp phần vào sự phát triển kinh tế thế giới. "Việt Nam, Thái Lan và Indonesia là 3 quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu ở châu Á mà Nhật Bản - hiện đang bị lạm phát và mắc kẹt trong kỳ suy thoái thứ tư kể từ năm 2000 - cần mở rộng mối quan hệ kinh tế" - ông Suga Yoshihide nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội mới