ASEAN sẽ là thị trường ô tô lớn thứ 6 toàn cầu vào năm 2018
Phân tích của Frost & Sullivan (F&S) cho thấy thị trường ASEAN sẽ tăng trưởng khoảng 10,1% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2018, trong đó, Indonesia và Thái Lan sẽ dẫn đầu xu hướng tăng trưởng này.
"Doanh số bán xe hơi của Thái Lan và Indonesia có khả năng đạt 1 triệu chiếc trước năm 2013, do nhu cầu nội địa tăng và xu hướng đầu tư đáng kể từ các nhà sản xuất thiết bị gốc Nhật Bản", ông Vijayendra Rao, trưởng bộ phận nghiên cứu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của F&S cho biết.
"Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực ASEAN nhờ hoạt động đầu tư từ các nhà sản xuất thiết bị gốc Nhật Bản, ưu đãi từ chính phủ, cơ sở cung cấp tốt và kỹ năng của người lao động", ông Rao nói thêm.
Chính phủ Malaysia đã hoàn toàn miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe động cơ lai và xe chạy bằng điện dưới 2.000 phân khối cho đến ngày 31/12/2013.
Chính sách miễn thuế có hiệu lực từ tháng 1/2010 nằm trong kế hoạch tự do hóa khu vực chế tạo ô tô nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài của Thái Lan. Trong đó, Thái Lan cho phép các nhà sản xuất nước ngoài sở hữu 100% vốn trong các công ty chế tạo ôtô hạng sang có động cơ trên 1.800 phân khối và giá niêm yết trên 150.000 ringgit (44.000 USD)/chiếc.
"Chính sách miễn thuế của chính phủ Malaysia đã giúp doanh số bán các loại ô tô như Honda Insight, Toyota Prius và Lexus CT 200h tăng lên đáng kể", ông Rao cho biết.
Cũng theo ông Rao, các tập đoàn ô tô của Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ở khu vực ASEAN.
Vì vậy, các hãng sản xuất ô tô của các nước trong khu vực cần thực hiện nhiều biện pháp để hướng dẫn người dân về công nghệ ô tô và giải quyết mối lo ngại của người tiêu dùng về chi phí bảo trì các phương tiện này. Đồng thời, các hãng sản xuất cũng cần giới thiệu các mẫu xe hấp dẫn hơn nhằm thu hút người tiêu dùng, ông Rao nói thêm.
Nguồn Sinchew/Khampha