Ảnh: Nikkei Asian Review.
ASEAN muốn giữ thế trung lập trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan, các nhà lãnh đạo của khối đã thống nhất thông qua "Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”, khi khối muốn tránh bị cuốn vào căng thẳng thương mại ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha, chủ tịch luân phiên ASEAN, phát biểu: “Hội nghị thượng đỉnh đồng ý với sáng kiến của Thái Lan về củng cố vai trò lãnh đạo của khối, trong mối quan hệ với các đối tác bên ngoài khu vực, ASEAN hiện có một cách tiếp cận chung về vấn đề này”.
Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cung cấp một chỉ dẫn chính xác cho ASEAN trong các mối quan hệ với các đối tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tầm nhìn nhấn mạnh tiềm năng cho sự hợp tác với các khối khác trong khu vực. Sự hợp tác phải được xây dựng trên các nguyên tắc “Đột phá, đa phương và đôi bên cùng có lợi.”
Ấn Độ - Thái Bình Dương là thuật ngữ mà Mỹ và Nhật thường dùng để thúc đẩy sự gắn kết về an ninh và kinh tế với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đây cũng là khu vực mà Trung Quốc có tham vọng tăng cường sự hiện diện của mình.
Tại buổi họp báo, Thủ tướng Thái Lan cho rằng: “ASEAN tin rằng sự hợp tác trong khuôn khổ tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương nên dựa trên sự bình đăng và tôn trọng lẫn nhau và vai trò của ASEAN là nòng cốt”. Ông cũng cho biết: “Nó cũng bổ sung cho bộ quy tắc hiện hành về sự hợp tác giữa các nước trong khối và các đối tác ngoài khối”.
Theo tầm nhìn được đặt ra của khối, việc duy trì sự trung lập và cởi mở là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ tốt với cả Mỹ - Trung Quốc.
Tầm nhìn được đưa ra trong bối cảnh khối "vẫn lo ngại về làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng chống toàn cầu hóa đang tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, khiến chủ nghĩa đa phương bị đe dọa", theo tuyên bố của Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh cam kết của mình trong việc kết thúc các cuộc đàm phán về “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, hay RCEP, do Trung Quốc khởi xướng trong năm nay. "Nó sẽ giúp ASEAN quản lý sự thay đổi và sự không chắc chắn trong khu vực, đặc biệt là liên quan đến căng thẳng thương mại giữa các đối tác thương mại quan trọng của ASEAN," ông Prayuth nói.
Tuy nhiên, các quan chức từ nhiều quốc gia thành viên đã lưu ý rằng sẽ còn rất nhiều việc phải làm, khi chỉ mới có 30%-40% chương trình nghị sự RCEP đã được tranh luận và thông qua. Các chủ đề lớn như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính vẫn chưa được thảo luận.
Một thỏa thuận RCEP sẽ bao phủ khu vực chiếm một nửa dân số thế giới và 30% thương mại toàn cầu theo giá trị. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng quyết định phát triển ý tưởng đồng đăng cai World Cup 2034. Bóng đá là một trong những môn thể thao phổ biến nhất trong khu vực, và việc sở hữu một đội bóng cũng là một trào lưu của các vị tỷ phú châu Á.
Vòng thứ hai và cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2019 dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 4/11. Các nhà lãnh đạo từ các nước bên ngoài khu vực dự kiến cũng sẽ tham gia.
Nguồn Nikkei Asian Review