ASEAN hưởng lợi khi Nhật Bản nới lỏng tiền tệ
Các nhà xuất khẩu hàng hóa như Indonesia và Malaysia hưởng lợi nhiều nhát do nhu cầu tiêu thụ của Nhật Bản tăng mạnh.
Ngược lại, Hàn Quốc có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do đồng yên yếu đi làm tăng khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu ô tô và linh kiện của Nhật Bản, Credit Suisse và ANZ nhận định. Hàn Quốc có thể coi là chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề tỷ giá, cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ, đóng tàu và chế tạo ô tô ở đây như Kia Motors có thể chịu thiệt hại lớn nhất.
“Bên hưởng lợi sẽ là những nước coi Nhật Bản vừa là nhà cung cấp vừa là đối tượng tiêu dùng, trong khi những nước thua thiệt là những nước có mặt hàng xuất khẩu tương tự Nhật Bản, cạnh tranh với Nhật Bản”, theo chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse.
“Làn sóng tín dụng giá rẻ sẽ khiến doanh nghiệp và các ngân hàng Nhật Bản tăng đầu tư và mở rộng tại Đông Nam Á. Điều này sẽ làm tăng giá tài sản, sức tiêu thụ cũng như đầu tư và có thể giúp các nền kinh tế ở đây duy trì tăng trưởng cao trong 2013”, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Frederic Neumann, nhận định.
Triển vọng nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ của Nhật Bản khiến yên giảm 10% so với USD, giúp chứng khoán châu Á (trừ Nhật Bản) tăng 11% trong 2 tháng kết thúc vào ngày 18/1 vừa qua. Nó cũng giúp nâng triển vọng cho thị trường trái phiếu và tiền tệ châu Á mới nổi khi nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, ANZ cũng cảnh báo những rủi ro mà chương trình kích thích của Nhật Bản có thể gây ra. Yên suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu nước ngoài khi chi phí vận tải tăng. Các nước xuất khẩu như Malaysia, Philippines và Indonesia sẽ phải gánh những rủi ro này trong khi thị trường nhập khẩu như Hong Kong, Thái Lan và Đài Loan lại hưởng lợi.
Nguồn Bloomberg/Khampha