Argentina đối mặt nguy cơ vỡ nợ sau phán quyết của tòa án Mỹ
Trong các năm 2005 và 2010, các nhà đầu tư nắm giữ trên 90% khoản nợ đã đồng ý xóa 2/3 giá trị trái phiếu chính phủ mà họ nắm giữ. Nhưng một số chủ sở hữu trái phiếu từ chối chấp nhận thỏa thuận này và kiện lên tòa án Mỹ đòi Argentina thanh toán trái phiếu mà họ nắm giữ.
Từ vụ kiện này, ngày 16/6, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết từ chối xem xét việc Argentina kháng cáo quyết định của một tòa án cấp dưới buộc nước này phải trả tiền cho các nhà đầu tư đã mua công trái của Argentina.
Theo yêu cầu của tòa án Mỹ, Argentina phải trả tiền trái phiếu và tiền lãi, tổng cộng 1,3 tỷ USD, cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management. Phán quyết còn cho phép các chủ nợ thắng kiện sử dụng hệ thống tòa án Mỹ để buộc Argentina phải công khai các tài sản của quốc gia này trên thế giới.
Trong một động thái khiến cho Argentina đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, tòa án Mỹ cấm Argentina sử dụng hệ thống tài chính Mỹ nếu chưa thanh toán xong nợ cho các chủ nợ nói trên.
Phán quyết ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Argentina và gây quan ngại trong giới tài chính quốc tế.
Trong diễn văn đọc trên truyền hình, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner chỉ trích phán quyết của tòa tối cao Mỹ là "tống tiền." Bà tuyên bố Argentina sẵn sàng thanh toán nợ trên cơ sở đàm phán chứ không dựa trên các hành động có tính chất "tống tiền."
Tổng thống Kirchner khẳng định Buenos Aires đảm bảo cam kết thanh toán cho các chủ nợ đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Argentina trên cơ sở thương lượng.
Trên tinh thần này, một ngày sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết chống lại Argentina, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof công bố thông tin Buenos Aires đang thực thi các biện pháp nhằm khởi động một thỏa thuận trả nợ mới đối với các khoản nợ công trái đã được tái cơ cấu dành cho các chủ nợ đã chấp nhận các chương trình tái cơ cấu nợ trước đó.
Bộ trưởng Kicillof chỉ trích các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã khởi kiện chống lại Argentina là những "kẻ tham lam", không có thiện chí đàm phán. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng thương lượng, song vẫn nhấn mạnh điều này không có nghĩa là Argentina sẵn sàng làm bất cứ điều gì, với bất kỳ điều kiện nào hoặc chấp nhận các điều kiện có tính chất tống tiền để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ với các chủ nợ nước ngoài.
Hãng đánh giá tín dụng Standard and Poor's (S&P) đã hạ hai bậc xếp hạng nợ của Argentina, từ mức "CCC+" xuống mức "CCC-" (nghĩa là dưới mức khuyến khích đầu tư 9 bậc) với triển vọng "tiêu cực", đẩy Argentina rơi xuống vị trí quốc gia có xếp hạng thấp nhất cho tới nay. S&P cảnh báo phán quyết của tòa Mỹ làm gia tăng rủi ro gián đoạn hoạt động thanh toán nợ, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của Argentina.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ quan ngại tác động tiêu cực từ phán quyết của tòa án Mỹ đối với các nỗ lực của Argentina nhằm giải quyết tình trạng nợ nần. Một số nhà phân tích còn cho rằng phán quyết có thể khiến các nhà đầu tư từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ công trái, cản trở các nỗ lực của IMF và các quốc gia tài trợ nhằm giúp các nước khó khăn tài chính cải thiện tình hình. Thông báo của thể chế tài chính đa phương này bày tỏ quan ngại phán quyết sẽ gây ra hậu quả lan rộng một cách có hệ thống.
Giới phân tích nhận định phán quyết thực sự đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực quay trở lại thị trường tài chính quốc tế của Argentina, sau 13 năm gần như bị loại khỏi hoạt động của các thị trường vốn quốc tế vì tuyên bố vỡ nợ 100 tỷ USD hồi năm 2001.
Theo các chuyên gia, trong khoảng thời gian vài ngày trước khi phán quyết bắt đầu có hiệu lực, Argentina có thể sẽ phải tìm cách thương lượng với các chủ nợ nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ lần nữa và uy tín bị sụt giảm mạnh. Một chuyên gia hàng đầu cho rằng Buenos Aires đang mong muốn tái hòa nhập vào hệ thống tài chính thế giới và đàm phán với các chủ nợ là cách duy nhất để giúp quốc gia Nam Mỹ này đạt được mong muốn.
Chỉ số trái phiếu Merval của Argentina đã tăng 3,75% trong ngày 17/6, sau khi giảm tới 10% trong ngày trước đó, cho thấy giới đầu tư tin tưởng khả năng chính phủ sẽ thông báo một giải pháp mới nhằm giải quyết tình hình.
Trước đó, ngày 29/5 vừa qua, Chính phủ Argentina đã đạt được thỏa thuận với Câu lạc bộ các chủ nợ Paris về việc thanh toán các khoản nợ quá hạn hiện ở mức 9,7 tỷ USD, động thái được kỳ vọng giúp Argentina thoát khỏi tình trạng vỡ nợ ở mức kỷ lục và mở ra khả năng nhận được các nguồn tài trợ của quốc tế mà nước này đang rất cần./.
Nguồn Vietnam+