Thứ Ba | 05/08/2014 15:10

Argentina đã vỡ nợ hay chưa?

Câu trả lời còn tùy vào người được đặt câu hỏi: hãng xếp hạng tín dụng, chính phủ Argentina hay người dân Buenos Aires.
Dòng chữ trên bức tường tại Argentina có nghĩa: Không trả nợ - Ảnh: Reuters
Dòng chữ Graffiti có nghĩa là "Không trả nợ" được vẽ trên bức tường tại Argentina- Ảnh: Reuters

Về mặt kỹ thuật Argentina đã vỡ nợ, nhưng có thể bạn sẽ không nhận ra điều đó nếu đang sống ở Buenos Aires.

Hôm thứ 4 vừa rồi (30/7), Argentina đã để lỡ hạn chót trong việc thanh toán phần lãi hưởng theo định kỳ cho các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu.

Đây chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly của một cuộc tranh chấp kéo dài đã nhiều năm. Argentina đã đối đầu với một nhóm các quỹ đầu cơ (hay còn gọi là nhóm chủ nợ ra yêu sách) yêu cầu chính phủ Argentina phải thanh toán đầy đủ 1,5 tỷ USD trái phiếu mà nước này đã mất khả năng thanh toán hồi năm 2001.

Tòa án Liên bang Mỹ đã ra một phán quyết mà theo đó, Argentina không được thực hiện thanh toán định kỳ cho các trái phiếu nếu không trả tiền cho các quỹ đầu cơ ra yêu sách. Cho đến tối cùng ngày, trung gian hòa giải Daniel Pollack do Tòa án Liên bang Mỹ chỉ định đã tuyên bố Argentina "sắp" lâm vào vỡ nợ.

Nhưng người Argentina đã thức dậy vào buổi sáng ngày sau đó và nhìn thấy những tiêu đề trên một số tờ báo lớn của Argentina nói rằng, một số thỏa thuận cá nhân đã được thực hiện và sự vỡ nợ đã được ngăn chặn. Một số tờ báo địa phương còn miêu tả cách mà Argentina và các ngân hàng nước ngoài đưa ra nhiều đề xuất để mua lại nợ từ các quỹ đầu cơ.

Còn hôm thứ 5 (31/7), khi phát biểu trước toàn thể nhân dân Argentina trong buổi họp báo được truyền hình phát đi, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof đã gọi việc nói đất nước đã lâm vào tình trạng vỡ nợ là điều "hoàn toàn vô lý".

Chánh Văn phòng Nội các Argentina, Jorge Capitanich cũng chỉ trích quyết định hạ xếp hạng Argentina xuống vỡ nợ từng phần của Standard & Poor's là "sự dối trá vô lý" và phá hoại nỗ lực tái cơ cấu nợ của quốc gia này sau lần vỡ nợ hàng chục tỷ USD trái phiếu năm 2001.

Sự hỗn loạn của thông tin không gây nhiều bất ngờ cho những người dân thường tại Argentina. Bởi vì đối với một đất nước đã từng trải qua lần vỡ nợ thảm khốc 13 năm về trước, những ký ức cũ về một cuộc vỡ nợ thực sự dường như vẫn còn nguyên sức sống trong tâm trí họ.

Gustavo, người đàn ông 32 tuổi làm nghề bán buôn với một doanh nghiệp gia đình nhỏ nói rằng: "Không thể so sánh với những gì đã diễn ra vào năm 2001". Thậm chí, người đàn ông này còn không muốn cho biết tên của mình (chỉ tiết lộ họ) bởi vì Gustavo đã kể lại chuyện anh đã đổi đồng peso để lấy đô-la Mỹ một cách bất hợp pháp bằng cách nào trong những năm Argentina khủng hoảng.

Nhiều người Argentina từng chứng kiến giá trị đồng peso giảm nhanh chóng và các khoản tiết kiệm của họ bỗng nhiên biến mất sau lần vỡ nợ không được cảnh báo trước năm 2001.

Gustavo cho biết: "Những năm qua đã chỉ cho chúng tôi biết một chiến lược để tiết kiệm tiền một cách đáng tin cậy".

Đối với hầu hết người dân Argentina, đồng tiền được lựa chọn là đôla Mỹ, nhưng họ phải đi đến thị trường chợ đen để có được nó. "Rất khó khăn hoặc gần như không thể giữ những khoản tiền tiết kiệm an toàn ở Argentina vì tại đây, giá trị của đồng tiền mất giá vô cùng nhanh chóng", Gustavo nói thêm.

Các thị trường tài chính trên thế giới gần như không có phản ứng nào trước sự vỡ nợ của Argentina, một phần vì dường như không ai biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp.

Còn ở Argentina, cổ phiếu và trái phiếu lại phản ứng một cách mạnh mẽ. Giá tham chiếu của trái phiếu Argentina đã giảm sau khi phục hồi trong 2 ngày trước đó.

Merval - chỉ số chứng khoán chính của Argentina đã giảm hơn 8% từ mức cao kỷ lục trong ngày thứ 4. Trong ngày thứ 6 (1/8), Hiệp hội Quốc tế về hoán đổi và các sản phẩm phái sinh (ISDA) đã ra cảnh báo về việc Argentina lỡ hạn thanh toán có thể dẫn tới vỡ nợ trong hoạt động hoán đổi các chứng khoán nước ngoài của Argentina.

Trong lúc này, phần lớn người dân Argentina vẫn đang trong tâm trạng bình tĩnh, nhưng điều này có thể thay đổi, Barbara Kotschwar - nhà nghiên cứu tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế, đồng thời là trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu về Nam Mỹ Georgetown.

"Tôi nghĩ nhiều người đang mua những lập luận rằng Argentina đã không vỡ nợ và gieo rắc sự căm ghét đối với những quỹ kền kền xấu xa", Barbara Kotschwar đề cập đến những nỗ lực của chính phủ trong việc chỉ trích các quỹ đầu cơ kền kền.

"Tuy nhiên, câu chuyện cần theo dõi là người Argentina sẽ rút ra kết luận gì trong khoảng thời gian trung hạn nếu nền kinh tế của đất nước và phúc lợi cá nhân của họ bị ảnh hưởng hay khi cuộc sống thường ngày trở nên phức tạp hơn".

Nguồn GAFIN/The New York Times/DVO


Sự kiện