Chính phủ Argentina ngày 24/1 bất ngờ thông báo bãi bỏ quyết định cấm người dân nước này mua ngoại tệ để giữ tiền trong bối cảnh giá đồng nội tệ peso bị mất giá mạnh trong thời gian vừa qua.
Trong một cuộc gặp gỡ báo chí, Chánh văn phòng nội các Argentina Jorge Capitanich tuyên bố kể từ tuần tới, người dân quốc gia Nam Mỹ này được phép mua ngoại tệ để giữ tiền với số lượng phụ thuộc vào mức thu nhập đã chính thức khai báo với cơ quan thuế.
Quan chức trên cũng cho biết mức thuế đánh vào người mua USD để giữ tiền, mua các gói du lịch hoặc mua sắm ở nước ngoài bằng thẻ tín dụng sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%.
Các biện pháp trên được công bố một ngày sau khi trong ngày 23/1 tại thị trường chính thức, đồng nội tệ peso đã giảm 7,9% so với đồng USD - mức giảm mạnh nhất trong vòng 24 giờ kể từ năm 2002 - xuống 7,75 peso ăn 1 USD.
Tại thị trường tư nhân, đồng peso cũng rớt giá theo, xuống mức thấp kỷ lục 13,2 peso ăn 1 USD. Với các mức giảm này, từ đầu năm đến nay giá trị đồng peso sụt giảm gần 16% tại thị trường chính thức và giảm 24,4% tại chợ đen.
Theo một số nhà kinh tế, biện pháp vừa được chính phủ Argentina thông báo nhằm giảm nhu cầu đồng USD ngoài chợ đen, với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá ngoài luồng.
Trước đó, ngày 22/1, chính phủ Argentina quyết định siết chặt các giao dịch với nước ngoài thanh toán bằng đồng USD của công dân nước này nhằm ngăn chặn tình trạng sụt giảm dự trữ ngoại hối. Theo đó, mỗi công dân Argentina chỉ được phép thực hiện giao dịch thương mại với nước ngoài qua mạng Internet 2 lần/năm, mỗi lần không quá 25 USD, mà không phải đóng thuế. Nếu vượt quá giới hạn này, mức thuế sẽ lên tới 50%.
Người dân Argentina vốn quen mua ngoại tệ để bảo toàn giá trị đồng tiền nội tệ tiết kiệm được, và sử dụng ngoại tệ trong những giao dịch mua bán bất động sản. Thế nhưng gần đây Buenos Aires đã cấm sử dụng ngoại tệ vào các mục đích trên do dự trữ ngoại hối giảm mạnh vì Argentina tự đứng ngoài thị trường tín dụng quốc tế sau khi thanh toán toàn bộ nợ với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cuối năm 2005, xuất siêu giảm và sử dụng dự trữ ngoại hối để thanh toán các khoản nợ khổng lồ sau khi tuyên bố vỡ nợ năm 2001.
Tuy nhiên, những biện pháp này lại tác động tiêu cực đến dự trữ ngoại hối, khiến lượng dự trữ đã sụt từ mức kỷ lục 52 tỷ USD năm 2011 xuống 43,3 tỷ USD vào thời điểm kết thúc năm 2012 và 29,3 tỷ USD vào thời điểm hiện nay./.
Nguồn Vietnamplus