Apple Pay vừa "khai sinh" đã bị phớt lờ
Trong đó nổi bật nhất là, Apple Pay sẽ không thu thập thông tin về những món hàng mà người dùng đã chọn mua và trên thực tế, Apple cũng được thiết kế để không ai có thể làm được điều này. Đây là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Apple Pay đối với giới thương nhân nhưng cũng vì điểm này, một số hãng bán lẻ lại không thèm để ý tới Apple Pay.
Hãy lấy hãng sản xuất sandwich Panera Bread làm ví dụ. Panera Bread vốn tự cho rằng, mình là một trong những doanh nghiệp thích nghi nhanh chóng với công nghệ khi đi vào thử nghiệm hoạt động đặt hàng thông qua ứng dụng của hãng với những chiếc máy tính bảng đặt tại quầy thu ngân.
Trước khi quyết định tham gia bất kỳ hệ thống thanh toán di động nào, điều mà Panera hướng tới là, hệ thống thanh toán đó phải tạo được liên kết nhanh hơn tới chương trình Tích lũy điểm thưởng MyPanera, vốn được sử dụng trong 1/2 số giao dịch tại các cửa hàng của Panera. Cụ thể hơn, các hệ thống thanh toán di động phải loại bỏ được khâu xuất trình thẻ thành viên hoặc đọc số điện thoại khi một khách hàng trung thành của hãng muốn thanh toán ngay. Nói cách khác, Panera muốn hệ thống thanh toán di động đó sẽ tự động tải toàn bộ thông tin khách hàng khi người đó bước vào quầy thu ngân với 1 chiếc điện thoại.
Đây là điều Apple Pay không làm được. "Rõ ràng, Apple Pay không phải là thứ chúng tôi muốn", Phó giám đốc điều hành Blaine Hurst của Panera khẳng định. Tuy nhiên, ông Hurst cho rằng, Apple Pay vẫn là một bước tiến lớn đối với Apple. Đây có thể chỉ là "màn dạo đầu" cho những sản phẩm hoàn hảo hơn sau này. Hiện tại, Panera cũng đang thử phát triển công nghệ riêng để đẩy nhanh tốc độ xử lý chương trình tích điểm cho khách hàng.
Chuyên gia phân tích Denée Carrington tại Viện nghiên cứu Forrester cho rằng, phương pháp tiếp cận dữ liệu khách hàng của Apple là một trong những khuyết điểm lớn của Apple Pay. Các hệ thống thanh toán di động không thể phát triển mạnh mẽ một phần vì khách hàng và thương nhân dường như vẫn rất hài lòng với hệ thống thanh toán bằng tiền mặt và thẻ nhựa hiện tại. Khi đó, các cửa hàng không có lý do gì chuyển đổi sang hệ thống thanh toán hoàn toàn mới và xa lạ với người dân. Theo bà Carrington, Apple Pay chỉ mang lại cho khách hàng thêm chút thuận tiện hơn so với cách thanh toán truyền thống. Trên thực tế, bảo mật dữ liệu khách hàng vẫn là con dao hai lưỡi, ít nhất là đối với Apple Pay lúc này.
Không chỉ Panera, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart cũng từ chối sử dụng Apple Pay. Wal-Mart cho biết, ngay từ đầu đã không có ý định kết hợp với hệ thống thanh toán của Apple vì tập đoàn vẫn đang hoạt động dựa trên hệ thống riêng được phát triển bởi công ty Giao dịch Khách hàng - Thương nhân (MCX). Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, lý do chính khiến Wal-Mart từ chối Apple Pay là nhằm giúp giới thương nhân có thể kiểm soát mọi mối quan hệ với khách hàng của họ.
Khác với Panera hay Wal-Mart khi thẳng thừng từ chối Apple Pay, Starbucks lại "nửa vời" với hệ thống thanh toán này. Nói đơn giản, người dùng iPhone có thể sử dụng Apple Pay để mua chịu thông qua ứng dụng di động của Starbucks. Tuy nhiên, các quầy thu ngân của Starbucks lại hoàn toàn nói "Không" với Apple Pay, một phần vì Starbucks không phát triển các thiết bị kết nối cần thiết để chấp nhận thực hiện thanh toán từ chiếc điện thoại iPhone.
Giống như Panera, Starbuck vốn coi các hệ thống thanh toán di động là một cách để tiếp cận sâu hơn vào đời sống của khách hàng thông qua các chương trình tích lũy điểm trung thành. Khoảng 15% giao dịch tại các quán Starbucks ở Mỹ đều được thực hiện qua ứng dụng điện thoại riêng của hãng. Tuần trước, Starbucks vừa ra mắt ứng dụng đặt hàng trước tại Portland, Ore. trước khi triển khai trên khắp đất Mỹ vào năm 2015.
Nguồn Theo DVO/ BusinessWeek