APEC 2017: Chờ đợi những cuộc đối đầu nảy lửa
Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC 2017), một trong những sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm sẽ chính thức diễn ra từ ngày 6-11/11/2017 tại thành phố biển Đà Nẵng.
Sự kiện dự kiến sẽ quy tụ hàng nghìn người tham gia, bao gồm lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên cũng như cộng đồng doanh nhân, giới đầu tư cùng tham gia thảo luận, tìm kiếm các cơ hội hợp tác và cơ chế giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế của một khu vực đang chiếm đến 60% GDP thế giới.
Dù vậy, cái được nhiều người quan tâm còn là các màn gặp gỡ đấu trí “face – to- face” bên lề hội thảo giữa lãnh đạo các quốc gia, trong đó nổi cuộm lên là mối quan hệ giữa 3 cường quốc: Mỹ, Nga, và Trung Quốc với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc vừa tái cử nhiệm kỳ mới: Ông Tập Cận Bình.
Trump-Putin: Cơ hội chứng tỏ sự minh bạch
Cuộc găp gỡ với Putin tại Đà Nẵng sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để Donald Trump chứng minh mối quan hệ giữa hai người là hoàn toàn minh bạch, không vì lợi ích cá nhân. Hiện chính trường Mỹ đang tiếp tục nóng lên khi đầu năm nay, cựu Giám đốc FBI ông Robert Mueller III đã được Ủy Ban Tư Pháp Mỹ lựa chọn để giám sát chiến dịch điều tra về sự dính líu của chính phủ Nga trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump.
Giới truyền thông Mỹ dự kiến sẽ theo dõi sát sao, nỗ lực tìm kiếm các cử chỉ “thân mật” nếu có giữa Trump và Putin để phân tích và khai khác. Quyền lực của giới truyền thông Mỹ cả thế giới đều biết, nên một sự thận trọng trong giao tiếp nhiều khả năng sẽ là điều mà cả Tổng thống Mỹ và Nga đều hướng tới.
Bên cạnh đó, cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Nga tại APEC 2017 còn bị bao phủ bởi một loạt các vấn đề rất quan trọng như lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, căng thẳng tại chiến trường Syria, tình hình tại Ukraine và gần đây nhất là nổi lên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. “Putin rất quan trọng vì Nga có thể giúp chúng ta đối phó với Triều Tiên. Họ cũng có thể giúp chúng ta với vấn đề Syria. Và chúng tôi cũng sẽ cùng thảo luận về tình hình Ukraine.”, Donald J Trump phát biểu trước chuyến công du Châu Á lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Trump-Tập Cận Bình: Triều Tiên là ưu tiên số 1
Trước khi bay tới Việt Nam tham gia APEC, Tổng thống Mỹ sẽ có chuyến ghé thăm Bắc Kinh. Ở đó, nhiều khả năng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là trọng tâm thảo luận giữa Donald J Trump và Tập Cận Bình. Trước đó, Tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích Trung Quốc không nỗ lực đúng mức để kiềm tỏa Triều Tiên cũng như Kim Jong Un, khiến cho căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang.
Đó còn là các cuộc thảo luận về thương mại giữa hai quốc gia, vốn khá căng thẳng khi trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald J Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Cuộc gặp giữa hai bên dự kiến sẽ còn thảo luận liên quan đến an ninh tại Biển Đông khi Trung Quốc không cho thấy ý định kìm hãm những hành vi làm gia căng thẳng tại khu vực trong thời gian qua.
Bên cạnh các cuộc gặp nổi bật kể trên, tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ bài phát biểu về chiến lược mới của Chính quyền Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thay thế cho chiến lược cũ “Xoay trục về Châu Á” của người tiền nhiệm. Chiến lược mới dự kiến sẽ được mang tên “Tầm nhìn về một khu vực Indo-Pacific tự do và mở cửa”, trong đó nội dung có thể sẽ có phần đề cập đến cả chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc là người khởi xướng.