Người biểu tình ở thủ đô Paris. Ảnh: AFP

 
Thứ Sáu | 07/12/2018 06:30

Áo Vàng cản trở cải cách kinh tế của nước Pháp

Dư luận đặt ra câu hỏi bước nhượng bộ đầu tiên của điện Elysée liệu có chôn vùi các cải cách dang dở của ông Macron hay không?

Giới chức trách Pháp chuẩn bị triển khai thêm 8.000 cảnh sát ở Paris và 89.000 cảnh sát trên toàn quốc, trước thông tin những người biểu tình dự kiến tập hợp tại Điện Elysee, Paris ngày 8.12.

Trước sự giận dữ của người dân, Paris thông báo bãi bỏ biện pháp tăng giá xăng dầu cho cả năm 2019, qua đó dời lại một số tham vọng về môi trường và có nguy cơ gây thêm thâm hụt từ 2 đến 4 tỷ euro trong cán cân chi tiêu của Nhà nước.

Hình ảnh bạo động tại Paris và bước lùi của chính phủ của ông trước sức ép của đường phố, đã làm suy yếu uy tín của Tổng thống Pháp cũng như kế hoạch cải tổ kinh tế của ông.

Từ khi nắm quyền nước Pháp đến nay, chính quyền Macron đã cải tổ kinh tế theo đường lối tự do như sửa đổi luật lao động, giảm thuế cho doanh nghiệp, khuyến khích việc đào tạo và học nghề, thu hút nhà đầu tư đến Pháp hoạt động. Trong lĩnh vực kinh tế, Emmanuel Macron muốn nước Pháp có một nền kinh tế năng động hơn và qua đó giải quyết nạn thất nghiệp.

→Bạo động "Áo Vàng" lan rộng tại Pháp

Bên cạnh vế kinh tế, ông Macron còn muốn đem lại những thay đổi sâu rộng cho xã hội Pháp gồm nhiều hồ sơ, từ chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu đến kế hoạch cải tổ y tế, giải quyết tình trạng các bệnh viện bị quá tải; cải tổ ngành giáo dục hay guồng máy tư pháp...

Thế nhưng những cải cách này đã bị cuộc xuống đường của phe Áo Vàng chặn lại khi biến thủ đô Paris thành “chiến trường” trong nhiều ngày qua.

Phong trào phản kháng ở Pháp đã lan tới cả các trường trung học. Theo AFP, một số nghiệp đoàn trường học đã kêu gọi duy trì sức ép để chống nhiều biện pháp cải cách giáo dục của chính phủ và kêu gọi tổng biểu tình vào hai ngày 6 và 7/12, đồng thời phong tỏa các ngôi trường.

Liên đoàn Quốc gia các nghiệp đoàn nông nghiệp Pháp cũng thông báo: nông dân sẽ biểu tình trong tuần tới, vào các ngày khác nhau tùy từng vùng, nhằm phản đối một số chính sách đẩy nông dân vào khó khăn.

Ao Vang can tro cai cach kinh te cua nuoc Phap
Tổng thống Pháp Macron đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi cầm quyền.
Ao Vang can tro cai cach kinh te cua nuoc Phap
Người biểu tình đòi ông Macron từ chức. Ảnh: AP

Phần còn lại trong cương lĩnh của ông Macron từ nay đến cuối nhiệm kỳ năm 2022 còn quan trọng hơn thuế xăng dầu hay bãi bỏ thuế cho người giàu. Đây đều là những nội dung rất nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi bước nhượng bộ đầu tiên của điện Elysée liệu có chôn vùi các cải cách dang dở của ông Macron hay không?

Nhiều nguồn tin cho biết Tổng thống Macron yêu cầu tất cả các bộ trưởng đang đặc trách về những hồ sơ nhậy cảm tạm thời đóng băng các dự án cải tổ cho đến khi tìm ra giải pháp cho vấn đề “Áo Vàng”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang suy yếu nhưng không nên quên rằng ông chính là hy vọng cuối cùng để giúp nước Pháp tiến hành những cải cách cần thiết. Giờ đây, việc uy tín ông bị giảm sụt không chỉ tác hại đến triển vọng kinh tế của nước Pháp, mà còn tạo thành một cản lực lớn cho một tiến trình rất cần thiết tại Châu Âu là hội nhập kinh tế khu vực đồng euro, nhất là vào lúc Thủ tướng Đức Merkel cũng đang trong thế yếu, không thể lãnh đạo châu Âu.