Thứ Ba | 23/07/2013 18:24

ANZ: Dòng tiền đang trở lại châu Á

Vốn đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là tại Đông Nam Á sẽ vẫn mạnh nhờ nền tảng kinh tế tương đối tốt.
Nhiều người lo ngại nguồn vốn sẽ rút khỏi các nước mới nổi châu Á khi Mỹ có thể giảm kích thích tiền tệ, và tốc độ tăng trưởng của khu vực này đang giảm dần, nhưng thực chất dòng vốn vẫn đang chảy về đây.

Báo cáo tuần trước của ANZ Resesrch cho thấy các nhà đầu tư đang bắt đầu quay lại châu Á vì thị trường ở đây tương đối rẻ. ANZ Research cho biết các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) của họ đã ghi nhận 600 triệu USD chảy vào trong tuần, sau 5 tuần liên tiếp sụt giảm.

Trong khi đó, mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong năm nay, từ 6,6% xuống còn 6,3% và năm tới giảm từ 6,7% xuống 6,4%.

Trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á 2013" công bố ngày 16/7, ADB nêu rõ tăng, giá nhiên liệu giảm và giá thực phẩm ổn định đáng kể đã giúp sức ép lạm phát giảm đi nhiều. ADB dự báo lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ giảm từ 4% xuống 3,5% trong năm nay.

Theo báo cáo, khu vực Đông Á trong cả năm nay và năm tới sẽ giảm từ 7,1% xuống còn 6,7%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo giảm từ 8,2% xuống 7,7% trong năm 2013 và từ 8% xuống 7,5% trong năm 2014.

Ngân hàng trên cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tuy làm chậm lại nhu cầu của các đối tác nước ngoài, nhưng lại giúp gia tăng lòng tin người tiêu dùng trong nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 và 2014. Đây là lần thứ 5 liên tiếp định chế này hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ đầu năm 2012 trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi giảm tốc, châu Âu suy thoái và kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook) mới nhất, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2013 xuống còn 3,1% từ mức 3,3% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 4.

Mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2014 cũng được IMF hạ xuống còn 3,8% từ mức 4%. IMF nhận định, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển sẽ bước vào một giai đoạn khiêm tốn hơn.

Định chế này đồng thời dự báo tăng trưởng nói chung của nhóm 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, hay còn gọi là nhóm BRIC.

Không chỉ có IMF, một loạt ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Deutsche Bank và HSBC mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, Lei Lei Song, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: "Tôi tin rằng vốn đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là tại Đông Nam Á sẽ vẫn mạnh do những quốc gia này có nền tảng tương đối tốt".

Ngoài ra, dù một vài nước bị rút vốn trong ngắn hạn, Đông Nam Á sẽ vẫn hấp dẫn hơn các nước khác do điều kiện kinh tế hiện tại tốt.

"Nếu anh nhìn vào các nền kinh tế châu Á và tốc độ tăng trưởng trong vài năm gần đây thì thấy Đông Nam Á là nơi ổn định nhất thế giới", Song cho biết. Ví dụ như Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã tăng trưởng hơn 6% trong 2 - 3 năm qua. Tháng trước, họ cũng là quốc gia châu Á đầu tiên kể từ năm 2011 tăng lãi suất thêm 0,25% để đối phó với lạm phát và nội tệ mất giá.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện