ANZ bán mảng kinh doanh tại nhiều nước châu Á, không bao gồm Việt Nam
DBS sẽ trả 110 triệu đôla Singapore (79 triệu USD) cho các mảng này. Thương vụ sẽ nâng số tài sản DBS quản lý lên 182 tỷ SGD.
Cũng như nhiều đối thủ khác, DBS gần đây mở rộng mảng quản lý tài sản để thu lời từ số triệu phú đang tăng tại châu Á. Họ cũng muốn tận dụng việc các đối thủ rút lui vì chịu sức ép giảm chi phí và muốn tập trung vào các mảng khác lợi nhuận cao hơn. DBS mua mảng quản lý tài sản châu Á của Societe Generale năm 2014 và được cho là đang cân nhắc mua lại mảng ngân hàng cá nhân của ABN Amro Group khu vực này.
"Thời điểm hiện tại khá tệ, nhưng cũng là lúc giá tài sản đang rẻ" Kevin Kwek - nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co nhận xét.
ANZ cho biết họ sẽ chấp nhận lỗ 201 triệu USD với thương vụ này. Việc này đánh dấu động thái lớn của CEO - Shayne Elliott trong việc đảo ngược chiến dịch mở rộng sang châu Á của người tiền nhiệm. Trước đó, họ từng đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ có 30% lợi nhuận từ các thị trường ngoài Australia và New Zealand.
"Ưu tiên chiến lược của chúng tôi là tạo ra một ngân hàng cân bằng hơn, vốn tốt hơn và đơn giản hơn, tập trung vào các thị trường hấp dẫn", ông Elliott cho biết. Tại châu Á, ANZ sẽ tập trung nguồn lực vào mảng ngân hàng dành cho các tổ chức, doanh nghiệp.
DBS dự kiến hoàn tất thương vụ này đầu năm 2018, ANZ cho biết. Mảng này có số tiền gửi trị giá 17 tỷ SGD, số khoản vay là 11 tỷ SGD, hiện phục vụ 1,3 triệu khách hàng, trong đó có 100.000 người thu nhập cao.
Về hoạt động tại Việt Nam, trao đổi với VnExpress, đại diện ANZ cho biết: "Mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Việt Nam không nằm trong thương vụ mua bán này, nên không có ảnh hưởng hay thay đổi gì, cả với khách hàng cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ không ngừng cải thiện mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và lợi ích của khách hàng sẽ luôn là trọng tâm trong mọi quyết định mà chúng tôi đưa ra".
Nguồn VnExpress