Vương quốc Anh muốn tạo điều kiện cho các công ty chưa niêm yết trong nước. Ảnh: CNN.

 
Lam Ngọc Thứ Sáu | 21/07/2023 10:59

Anh sử dụng các quỹ lương hưu để vực dậy nền kinh tế

Chính phủ Anh muốn dựa vào các quỹ lương hưu khổng lồ của quốc gia để làm chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Bộ Tài chính Anh vừa cho biết, có 9 trong số các quỹ lương hưu lớn nhất của nước Anh đồng ý rằng, sẽ tăng cường đầu tư vào các công ty có sự ổn định trong tăng trưởng cao nhất nước. Theo đó, động thái này có thể thu hút số vốn đầu tư lên đến 50 tỉ bảng Anh (64,5 tỉ USD) nếu các quỹ lương hưu khác cũng đồng thuận với ý kiến trên.

 

Dựa trên thỏa thuận, các quỹ lương hưu bao gồm Avia, Legal & General, và Mercer sẽ phân bổ ít nhất 5% tài sản từ quỹ hưu trí của mình để đầu tư vào các công ty chưa niêm yết trong giai đoạn từ đây đến năm 2030. Đối với lương hưu trí của người lao động Anh, có nhiều hạng mục được bao gồm như quỹ mặc định. Quỹ này để những người tham gia đóng quỹ không có lựa chọn chiến lược đầu tư riêng sẽ được tự động đưa vào phần quỹ đó.

Động thái đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ các quỹ lương hưu có thể làm tăng thêm 1.000 bảng Anh (1.300 USD) vào thu nhập hưu trí mỗi năm và tăng cường nguồn vốn cho các công ty có tiềm năng tăng trưởng. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Anh.

Hậu sự kiện Brexit

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật vì lãi suất tăng cao, lạm phát cao dai dẳng, đầu tư suy thoái và tăng trưởng chậm chạp thì việc chính phủ Anh chấp thuận thông qua tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ lương hưu là điều có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra, việc phải mang lại những lợi ích cho quốc gia hậu sự kiện Brexit cũng khiến Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới tại London, City of London, “căng mình” tìm kiếm biện pháp ổn định tình hình.

Bên cạnh thỏa thuận đầu tư liên quan đến các quỹ lương hưu, Bộ Tài chính Anh đồng thời công bố một dự thảo luật nhằm tạo điều kiện cho các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán London dễ dàng hơn. Theo ông Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, cho biết kế hoạch này sẽ hủy bỏ gần 100 điều luật “không còn cần thiết phải giữ lại” ở Anh của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh. Ảnh: CNN.
Ông Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh. Ảnh: CNN.

Kể từ khi Anh rời EU, London đã đánh mất việc làm và tài sản vào tay các trung tâm tài chính khác trong khối thị trường chung, bao gồm Frankfurt và Paris, cũng như các thành phố lớn khác trên thế giới như New York.

Thời gian gần đây, một số công ty niêm yết ở London cũng đã có động thái cân nhắc chuyển niêm yết sang sàn giao dịch New York hoặc chọn niêm yết song song ở cả 2 thị trường. Đặc biệt, hãng sản xuất chip ARM, “viên ngọc quý” ngành công nghệ của Anh, hồi tháng 3 đã quyết định tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Phố Wall. Đây được xem là đòn giáng mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Anh.

Kế hoạch "Cải cách Mansion House"

Bằng cách thu hút vốn đầu tư từ các quỹ lương hưu với tổng giá trị khoảng 2.500 tỉ bảng Anh (3.200 tỉ USD) vào các công ty tăng trưởng cao, chính phủ Anh đã tiến hành kế hoạch “Cải cách Mansion House”. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ biến Vương quốc Anh trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp muốn huy động vốn và mở rộng quy mô kinh doanh. Đồng thời đây cũng là sự tiếp nối của kế hoạch “Cải cách Edinburgh”, nhằm đảm bảo vị thế của Vương quốc Anh là một trong những trung tâm dịch vụ tài chính cởi mở, năng động và cạnh tranh nhất trên thế giới, được công bố vào tháng 12/2022.

 

Nếu kế hoạch “Cải cách Mansion House” thành công, nước Anh sẽ hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo cuộc sống ổn định của những người lao động sau khi về hưu, vừa bổ sung thêm 3.000 tỉ USD cho nền kinh tế.

Vương quốc Anh là thị trường lương hưu lớn thứ 2 thế giới, đứng sau Mỹ, nhưng các quỹ hưu trí của Anh lại ít đầu tư cổ phiếu hơn so với những quốc gia khác. Trong 25 năm qua, bởi những thay đổi về quy chế giám sát và kế toán, tỉ trọng đầu tư cổ phiếu của các quỹ lương hưu ở Anh đã sụt giảm từ 73% xuống chỉ còn 27% và tăng gấp 4 lần mức phân bổ vốn cho trái phiếu. Không những vậy, mức độ tiếp xúc của các quỹ hưu trí Anh đối với thị trường chứng khoán trong nước cũng giảm mạnh hơn từ 53% năm 1997 xuống 6% vào năm 2021.

Theo ước tính của giới phân tích, chỉ có 11% tài sản trong các quỹ lương hưu của Anh được đầu tư vào các loại tài sản thay thế, chẳng hạn như quỹ phòng hộ, vốn cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng. Con số này thấp hơn so với mức trung bình trên toàn cầu là 19%. Theo đó, gây ảnh hưởng đến tỉ suất biên lợi nhuận của các quỹ lương hưu Anh.

Một số ý kiến cho rằng các quỹ lương hưu lớn có đủ quy mô để đầu tư vào nhiều loại hình tài sản hơn và có khả năng mang lại lợi nhuận tốt hơn từ khoản đầu tư đó. Vì vậy, những kế hoạch cải cách mới từ chính phủ Anh như một cách để thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.

Có thể bạn quan tâm:

Lạm phát khiến khoảng cách giàu nghèo ở Canada tăng nhanh

Nguồn CNN