Thứ Năm | 02/08/2012 11:20

Anh nhắm tới quốc hữu hóa hoàn toàn ngân hàng lớn thứ 3 đất nước

Các bộ trưởng Anh đang thảo luận khả năng mua lại cổ phần các nhà đầu tư tư nhân Ngân hàng hoàng gia Scotland (RBS).
RBS có 82% cổ phần thuộc về chính phủ Anh, 18% cổ phần còn lại do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ. Việc mua lại này có thể tiêu tốn của chính phủ Anh khoảng 5 tỷ bảng (7,79 tỷ USD), Financial Times (FT) đưa tin. Động thái này nhằm thúc đẩy cho vay doanh nghiệp.

Theo FT, Bộ tài chính Anh vừa bắt đầu chương trình giải phóng nguồn tín dụng mới nhất của mình hôm 1/8, nhưng một số quan chức cao cấp trong chính phủ Anh lại tin rằng buộc RBS cho vay nhiều hơn là các duy nhất khiến các ngân hàng hành động. Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phản đối các cổ đông tư nhân của ngân hàng, và cách duy nhất giải quyết là mua lại cổ phần các cổ đông này.

Bộ Tài chính Anh không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đang phản đối việc quốc hữu hóa hoàn toàn RBS, do điều này đồng nghĩa người trả thuế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với các khoản nợ xấu ngân hàng. Anh đã sử dụng 45 tỷ bảng tiền thuế để cứu RBS, và mục đích cuối cùng là bán lại ngân hàng này cho tư nhân.

Một nguồn tin trong ngành cho rằng có một vài lý do Bộ Tài chính Anh không mong muốn động thái như vậy. Ngoài lý do chi phí, các nhà quản lý Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng không cho phép một ngân hàng sở hữu nhà nước như RBS tích cực cho vay giá rẻ so với các đối thủ.

Bên cạnh đó, việc nắm giữ toàn bộ RBS có thể khiến chính phủ Anh chịu nhiều chỉ trích hơn về các bê bối ngành ngân hàng nước này như vụ thao túng lãi suất Libor gần đây.

RBS từng là ngân hàng lớn nhất thế giới về cả tài sản và nợ trong thời gian rất ngắn vào năm 2009. Tuy nhiên, sau khi giá cổ phiếu giảm, cùng sự suy giảm niềm tin với ngân hàng khiến RBS tụt hạng mạnh. Hiện tại trong năm 2012, RBS là ngân hàng lớn thứ 3 Anh và lớn thứ 6 châu Âu về tổng tài sản.

Nguồn Reuters/ Khampha


Sự kiện