Đối với các nhà đầu tư USD, đồng tiền châu Á yếu đã làm giảm lợi nhuận trên cổ phiếu nội địa. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Khánh Tú Thứ Năm | 11/07/2024 17:09

Ảnh hưởng của USD đến thị trường tài chính châu Á ra sao?

Đồng USD mạnh, lãi suất cao đã tác động đến tiền tệ và cổ phiếu châu Á.

Ảnh hưởng của Mỹ đối với thị trường tài chính châu Á đã trở nên rõ rệt hơn trong năm nay khi đồng USD mạnh và lãi suất cao kéo theo sự mất giá của các đồng tiền trong khu vực và cổ phiếu Nhật Bản.

Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm, khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất.

“Khi đồng tiền yếu, lợi nhuận từ xuất khẩu có thể giảm do chuyển đổi ngoại tệ. Nhật Bản là trường hợp điển hình”, ông Kieran Calder, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Á tại UBP Singapore, cho biết.

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã tăng 18% trong nửa đầu năm, trong khi chỉ số Topix tăng gần 19%. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư sử dụng USD, lợi nhuận chỉ đạt 3,6% và 4%, theo FactSet. Đồng yen cũng giảm xuống dưới mức 160 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1986.

Đồng yen yếu tương quan với lợi nhuận của các doanh nghiệp vững chắc và giá cổ phiếu nội địa mạnh hơn ở Nhật Bản, trong khi sự trượt giá của đồng tiền này làm giảm lợi nhuận đó đối với các nhà đầu tư sử dụng USD.

Tuy nhiên, ông Nicholas Smith, Chiến lược gia cổ phiếu Nhật Bản tại CLSA, dự đoán mô hình này sẽ quay trở lại như trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản áp dụng lãi suất cực thấp hơn hai thập kỷ trước. Trong những năm 1970 và 1980, khi xuất khẩu thúc đẩy kinh tế Nhật Bản, đồng yen mạnh không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận doanh nghiệp.

“Tôi mong đợi khi Nhật Bản ngừng duy trì lãi suất ở mức 0, giá cổ phiếu, lợi nhuận và đồng yen sẽ cùng tăng. Đồng yen sẽ tăng giá sau hai lần tăng lãi suất trong năm nay và chỉ số Topix sẽ tăng nhẹ”, ông Smith dự đoán.

Trong khi nhiều chiến lược gia giữ quan điểm lạc quan dài hạn về cổ phiếu Nhật Bản, câu chuyện lại khác ở phần lớn Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu trị giá 2,8 tỉ USD tính đến giữa tháng 6, một trong những đợt bán tháo tồi tệ nhất châu Á, theo Nomura. Chỉ số SET của nước này đã giảm 8% theo đồng tiền địa phương trong năm nay. Các nhà đầu tư sử dụng USD đã mất khoảng 15%.

Tại Indonesia, chỉ số JSX Composite đã giảm khoảng 3% từ đầu năm và 9% tính theo USD, theo FactSet. Morgan Stanley đã giảm tỉ trọng cổ phiếu của quốc gia này. Giới phân tích nhận thấy, sự không chắc chắn trong ngắn hạn về định hướng chính sách tài khóa tương lai, cũng như một số yếu kém trên thị trường ngoại hối trong bối cảnh lãi suất Mỹ vẫn cao và triển vọng USD mạnh.

Bên cạnh đó, lời hứa tranh cử của tổng thống mới Indonesia, Prabowo Subianto, về việc cung cấp bữa trưa và sữa miễn phí cho học sinh có thể tốn khoảng 29 tỉ USD mỗi năm, gây áp lực lên ngân sách của quốc gia này.

Tại Đài Loan, chỉ số TWSE về công nghệ đã tăng khoảng 29% trong năm nay, mặc dù tính theo USD chỉ tăng ít hơn, đạt 22%. Tại đây, với sự chuyên môn trong lĩnh vực bán dẫn cao cấp, được coi là thị trường đầu tư hàng đầu ở châu Á do nhu cầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ, theo khảo sát của Bank of America Securities với khoảng 240 nhà quản lý quỹ khu vực.

Ấn Độ là ngoại lệ trong bối cảnh xu hướng rộng này. Điều đáng nói là sự tăng giá cổ phiếu của đất nước này không phụ thuộc vào biến động của thị trường ngoại hối. Chỉ số Sensex của Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 9% tính cả theo nội tệ và đồng USD trong năm nay. Mặc dù Ngân hàng Trung ương đã can thiệp để ổn định đồng rupee, nó vẫn được coi là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.

Theo ông Jonathan Garner, Chiến lược gia cổ phiếu thị trường mới nổi châu Á tại Morgan Stanley tại Singapore, việc tăng giá cổ phiếu Ấn Độ được thúc đẩy chủ yếu bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư trẻ tuổi đối với việc đăng ký các quỹ tương hỗ và các sản phẩm tiết kiệm khác. Ông cho biết cổ phiếu Ấn Độ đã vượt trội hơn gấp ba lần so với Trung Quốc tính bằng đồng USD từ đầu năm 2021. Đồng thời nhấn mạnh rằng Ấn Độ đang trên đà trở thành một thị trường lớn nhất trong danh mục các thị trường mới nổi.

Tại khu vực Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Malaysia cũng đáng chú ý khi mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư cả về nội tệ và đồng USD trong năm nay. Theo FactSet, chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI của Malaysia đã tăng khoảng 9% trong năm nay và 6% tính bằng đồng USD. Nước này được hưởng lợi từ việc các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Việc các công ty phương Tây xây dựng trung tâm dữ liệu đang hỗ trợ các lĩnh vực của thị trường chứng khoán, bao gồm bất động sản, xây dựng và tiện ích.

Khi FED bắt đầu giảm lãi suất, dự kiến các Ngân hàng Trung ương châu Á khác ngoài Nhật Bản sẽ có xu hướng làm tương tự. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đã định giá khả năng cắt giảm lãi suất lên đến 56% vào tháng 9. Các quan chức của Ngân hàng Trung ương đã ám chỉ dự kiến sẽ giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay. 

“Nếu đồng USD suy yếu, tâm lý đối với khu vực châu Á sẽ trở nên tích cực hơn. Nhìn chung, tâm lý rủi ro toàn cầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường cổ phiếu Mỹ”, ông Arnaud Leteissier, Trưởng bộ phận Giao dịch Cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại Citi Hong Kong, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ vẫn lạc quan về thị trường

Nguồn Nikkei Asia