Anh em nhà Koch: Những nhân vật đứng sau sự đóng cửa của chính phủ Mỹ
Chỉ còn đúng 1 ngày trước hạn chót phải nâng trần nợ và kết thúc cuộc chiến ngân sách đã kéo dài 16 ngày, kể từ hôm 1/10 vừa qua. Nhưng ít ai biết đến "bàn tay đạo diễn" đằng sau sự kiện lớn này của chính phủ Mỹ.
Phóng sự điều tra của tác giả Lucie Robequain đăng trên tờ nhật báo kinh tế uy tín của Pháp - "Les Echos" đã lôi ra những nhân vật thực sự đứng đằng sau sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa cũng như cuộc chiến nâng trần nợ.
Những tỷ phú kín tiếng với tập đoàn lớn và vô danh nhất trên thế giới
Dù người dân New York vẫn thường ra vào nhà hát David H.Koch – nhà hát ba-lê của thành phố, nhưng ít người trong số họ biết rằng, cái tên Koch còn được dùng để chỉ một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới và là tên dòng họ của hai trong số những người quyền lực nhất nước Mỹ đạo diễn cho sự đóng cửa của chính phủ Mỹ suốt nửa tháng qua.
Ai cũng biết tình trạng tê liệt của chính phủ Mỹ không xảy ra một cách tình cờ mà là kết quả trên đã đạt được nhờ sự hỗ trợ từ những cuộc vận động hành lang, nhưng điều ít người biết chính là những nhân vật đứng đằng sau sự kiện lịch sử trên là hai tỷ phủ đầy quyền lực nhưng cũng đầy bí ẩn của Mỹ: anh em nhà Koch.
Tuần trước, ông Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện cho biết: "Họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để đưa chúng ta tới kết cục ngày hôm nay”. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, người phát ngôn của 2 tỷ phú nhà Koch đã phủ nhận cáo buộc trên.
Năm nay, David Koch và Charles Koch lần lượt ở tuổi 73 và 75. Mỗi người đang sở hữu khối tài sản có tổng giá trị lên đến 36 tỷ USD, con số đưa họ vào danh sách top 10 người giàu nhất thế giới và sẽ là top 3 nếu tính chỉ tính giá trị tài sản chứng khoán. Thế nhưng anh em nhà Koch lại không được nhiều người biết đến.
Chưa hề được niêm yết trên thị trường chứng khoán, tập đoàn Koch vẫn thịnh vượng một cách đầy bí ẩn ở Wichita, bang Kansas. Chính David Koch có lần từng chia sẻ "Koch là tập đoàn lớn và vô danh nhất trên thế giới" và câu chuyện kinh doanh của tập đoàn cũng bắt đầu không mấy đặc biệt.
Người cha của hai anh em nhà Koch đã làm giàu bằng cách phát minh ra một phương pháp lọc dầu. Sau đó, ông trao cho hai người con thừa kế mỗi người 42% cổ phần và họ đã đưa công ty phát triển vượt xa mong đợi. Kể từ năm 1960, giá trị của công ty đã nhân lên 3500 lần. Hiện nay, tập đoàn Koch tạo ra 70.000 việc làm và đạt doanh thu trên 100 tỷ USD mỗi năm. Và tập đoàn vẫn đang tiếp tục đầu tư khá mạnh vào ngành dầu khí, với 8.000 km đường ống từ Alaska đến Texas và hàng chục nhà máy lọc dầu.
Nhưng đế chế Koch không dừng lại ở đó, họ còn đầu tư vào giấy vệ sinh, phân bón, thảm, thủy tinh và thịt gia súc. Họ nắm quyền sở hữu công nghiệp toàn cầu đối với sản phẩm sợi Lycra - ông vua sợi tổng hợp. Thậm chí, anh hem nhà Koch còn nghĩ đến việc mạo hiểm trong ngành truyền thông với ý định mua lại Los Angeles Times nhưng đã quyết định không thực hiện sau khi cân nhắc hiệu quả kinh tế.
Từ những cuộc họp kín…
Cuộc sống của hai nhà tỷ phú cũng kín đáo như công việc kinh doanh của họ, ngoại trừ hoạt động từ thiện. Anh em nhà Koch hầu như không hứng thú với việc xuất hiện trước công chúng và liên lạc với báo giới. Những lần hiếm hoi họ xuất hiện trên mặt báo là khi vừa chi vài tỷ USD cho một thương vụ nào đó, chẳng hạn như Molex hồi tháng trước. Các cuộc hội nghị chính trị do họ tổ chức cũng diễn ra theo hình thức đóng, hai lần một năm. Buổi họp gần đây nhất họ tổ chức nhân dịp chúc mừng Ted Cruz, thượng nghị sĩ mới được bầu và đã ngay lập tức ghi dấu ấn bằng bài phát biểu kéo dài 21 tiếng đồng hồ liên tục trước thượng viện và thu hút được sự chú ý vô cùng lớn của công chúng.
|
Tin rằng tầm ảnh hưởng lớn nhất có thể đạt được xuất phát từ phía hậu trường, anh em nhà Koch thích bảo vệ những ý kiến của mình thông qua việc kiểm soát những “luồng tư tưởng” mà Phong trào Tự do là một ví dụ điển hình. Anh hem nhà Koch đã tài trợ cho không dưới 20 phong trào kiểu như vậy. Ảnh hưởng mà họ đạt được sâu rộng đến mức, các nhà quan sát chính trị đã dùng từ “Kochtopus” – mạng lưới Koch để nói về những phong trào và luồng tư tưởng họ đang kiểm soát. Anh em nhà Koch hỗ trợ tất cả các phong trào của đảng Cộng hòa, chẳng hạn như việc cấm phá thai hay chống lại chương trình cải cách bảo hiểm y tế của tổng thống Barack Obama - “Obamacare”.
Hai nhà tỷ phú này cũng tài trợ cho phong trào Tea Party (đấu tranh cho giảm thuế và giảm chi tiêu công). Và 6 tỷ USD chính là số tiền khổng lồ mà David Koch đã chi tiêu trong quý II/2013 để truyền bá về sự nguy hại của chương trình bảo hiểm y tế do Obama đề xuất. Không dừng lại ở đó, mới đây, họ đã tổ chức những cuộc vận động nhắm vào giới trẻ để thuyết phục họ từ chối loại hình bảo hiểm này. Đáng chú ý là để mua chuôc một trong những tầng lớp ủng hộ lớn nhất cho Obama, anh em nhà Koch đã tổ chức những cuộc họp cũng xa hoa và tốn kém chẳng khác gì những cuộc gặp dành cho các chính khách.
... Đến công khai chống lại đảng dân chủ
Cách đây vài ngày, chính tổng thống Mỹ đã nhắc đến họ như “những người đàn ông giàu nhất nước Mỹ đã thuyết phục giới trẻ từ chối bảo hiểm y tế” và cảnh báo rằng, với hàng tỷ đô la trong tay, anh em nhà Koch dĩ nhiên không phải lo đến chuyện bảo hiểm y tế, nhưng những người dân Mỹ thì khác.
Không chỉ công khai chống lại đảng dân chủ, anh em nhà Koch còn chĩa mũi dùi vào những người thuộc đảng Cộng hòa nhưng lại đang ủng hộ chương trình Obamacare. Khi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Richard Burr gọi ý tưởng từ bỏ chương trình Obamacare là “ngu ngốc”, ngay lập tức tuyên bố này đã bị lên sóng radio trên diện rộng để tất cả những cử tri ủng hộ ông ta đều biết đến.
Đây chỉ là một trường hợp điển hình trong số rất nhiều trường hợp của các nghị sĩ đảng Cộng hòa “dám” ủng hộ chương trình cải cách bảo hiểm y tế, khiến cho vị thế của chính họ bị lung lay đáng kể trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Nhận ra điều gì đang đứng đằng sau giật giây cuộc khủng hoảng ngân sách và chi tiêu công ở Mỹ, chúng ta mới hiểu vì sao một phong trào thiểu số như Tea Party lại có thể áp đặt suy nghĩ của mình lên phần lớn đảng Cộng hòa và cuối cùng đã thành công trong việc làm chính phủ Mỹ tê liệt suốt 15 ngày qua.
Ý tưởng “đóng cửa chính phủ” đã nhen nhóm trong lòng nhưng đại diện trung thành của đảng Cộng hòa từ lâu. Tháng 2/2013, khoảng 40 thành viên của đảng Cộng hòa đã cùng nhau ký vào một bức thư yêu cầu Quốc hội gắn việc nâng trần nợ công với điều kiện kèm theo là hoãn hoặc hủy bỏ chương trình Obamacare. Có thể nói, cuộc khủng hoảng mới đây của chính phủ Mỹ đã được đạo diễn từ trước bởi những bàn tay “lắm tiền nhiều của” thao túng các đảng phái. Nhưng liệu họ có đạt được mục đích của mình, khi mà cái mốc 17/10 đang càng ngày càng tiến gần mà vẫn chưa có một sự nhượng bộ thực sự đáng kể nào của đảng Dân chủ trước những kiến nghị mà đảng Cộng hòa đề ra.
Nguồn Les Echos/Dân Việt